Doanh nghiệp ngậm ngùi báo lỗ nặng sau 9 tháng
Thống kê dữ liệu từ Fiinpro, hiện có 115 doanh nghiệp ôm lỗ ròng sau 9 tháng đầu năm 2020 với tổng giá trị lỗ sau thuế lên đến 21.400 tỉ đồng, tổng lỗ ròng gần 20.700 tỉ đồng. Trong đó, Top15 doanh nghiệp lỗ lớn nhất chủ yếu thuộc các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như hàng không, logistic, du lịch, dầu khí, điện lực và bất động sản dân dụng.
Top3 công ty lỗ nghìn tỉ, vượt 70% tổng giá trị lỗ sau thuế của 115 doanh nghiệp trên sàn
Chỉ riêng Vietnam Airlines (Mã: HVN), con số lỗ ghi nhận từ đầu năm đến nay là 10.676 tỉ đồng, chiếm 50% tổng số lỗ sau thuế của 115 doanh nghiệp. Con số này không chênh lệch nhiều với ước tính lỗ 10.750 tỉ đồng trong 9 tháng mà ban lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra trước đó.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hai lần bùng phát trong nước và gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động vận tải hàng không, kết quả kinh doanh thua lỗ của nhóm công ty hàng không đã được dự báo.
Tương tự, Vietjet (Mã: VJC) cũng góp mặt trong top công ty kinh doanh thua lỗ sau 3 quí đầu năm. Theo đó, doanh thu 9 tháng hợp nhất 13.780 tỉ đồng, giảm 64% so với cùng kì 2019; lỗ sau thuế 925 tỉ đồng.
Đối với Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), công ty vừa ghi nhận tín hiệu tích cực khi có lãi trở lại trong quí III (163 tỉ đồng) sau hai quí thua lỗ đầu năm. Tuy nhiên lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp vẫn lỗ đến 4.095 tỉ đồng. Tổng doanh thu 9 tháng giảm mạnh 45% so với cùng kì về 40.825 tỉ đồng.
Năm 2020, BSR đặt kế hoạch doanh thu 80.685 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.185 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, BSR mới thực hiện được 51% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Bên cạnh BSR, Đạm Hà Bắc là doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ ròng 9 tháng vượt nghìn tỉ. Giá trị lỗ cụ thể 1.077 tỉ đồng, gấp 2,6 lần con số lỗ 9 tháng năm 2019, con số tương phản với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Theo ban lãnh đạo Đạm Hà Bắc, COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của công ty. Cụ thể là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, giá Urê và NH3 vẫn ở mức thấp kéo theo việc giá bán sản phẩm đã giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kì.
Mặt khác, lưu thông sản phẩm gặp nhiều trở ngại, mua linh kiện, thiết bị từ Trung Quốc, Châu Âu chậm trễ. Công ty thiếu hụt lao động về thiếu vốn duy trì hoạt động kinh doanh.
Với PVOIL (OIL), doanh nghiệp cho biết sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa khiến doanh thu thuần giảm 31% so với cùng kì còn 40.919 tỉ đồng. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 367 tỉ đồng, trong đó lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ là 265 tỉ đồng. Lỗ cơ bản trên cổ phiếu (EPS) lũy kế 4 quí liên tiếp khoảng 231 đồng.
Với lịch sử thua lỗ triền miên, cặp đôi doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HNG) tiếp tục lỗ cũng không gây bất ngờ cho các nhà đầu tư. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HAGL lỗ sau thuế 702 tỉ đồng, HAGL Agrico lỗ sau thuế 343 tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp BĐS, dịch vụ thua lỗ
Cùng xu hướng chung của nhóm doanh nghiệp bất động sản dân dụng, Tập đoàn Đất Xanh, FLC Faros, COMA 18 đều ôm lỗ lớn 9 tháng đầu năm.
Theo đó, mặc dù biên lãi gộp Tập đoàn Đất Xanh có sự cải thiện nhưng doanh thu 9 tháng giảm mạnh 51% về 1.877 tỉ đồng khiến kết quả kinh doanh công ty lao dốc. Công ty lỗ ròng hơn 388 tỉ đồng 9 tháng năm 2020, trong khi cùng kì năm 2019 lãi 907 tỉ đồng.
Bên cạnh DXG, một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lỗ trong 9 tháng như Thủ Đức House (TDH), CEO Group (CEO).
Phía FLC Faros (ROS), doanh thu thuần 9 tháng là 1.554 tỉ đồng và lỗ sau thuế 149 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái công ty có doanh thu 3.514 tỉ đồng và lợi nhuận 76,4 tỉ đồng.
Trong ba quí đầu năm, FLC Faros có giao dịch bán hàng trị giá 195 tỉ đồng với Tập đoàn FLC và 83 tỉ đồng với CTCP Đầu tư Địa ốc Alaska (công ty con của Tập đoàn FLC). Ngoài ra, FLC Faros còn mua hàng trị giá gần 141 tỉ đồng từ Công ty TNHH Một thành viên FLC Land (cũng là công ty con của Tập đoàn FLC).
Với lĩnh vực vận tải, do chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh COVID-19, Vinasun chỉ thu được 744 tỉ đồng doanh thu sau 9 tháng, giảm 52%, hãng taxi lỗ sau thuế 185 tỉ đồng so với khoản lãi 117 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019.
Một số công ty khác trong nhóm logistic, du lịch cũng ôm lỗ ròng trăm tỉ như Vận tải Biển và Thương mại Phương Đông (NOS) báo lỗ ròng 181 tỉ đồng, Xe khách Sài Gòn (BSG) lỗ ròng 125 tỉ đồng và Dịch vụ Du lịch Phú Thọ lỗ sau thuế 146 tỉ đồng, CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An (HOT) lỗ 15 tỉ đồng,...
Doanh nghiệp nhiệt điện, hóa chất thu nghìn tỉ vẫn lỗ ròng
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhiệt điện, hóa chất doanh thu nghìn tỉ sau ba quí đầu năm nhưng vẫn chịu lỗ.
Cụ thể, Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (NCP) chịu gánh nặng từ chi phí lãi vay gần 220 tỉ đồng khiến công ty lỗ sau thuế 116 tỉ đồng sau 9 tháng, dù doanh thu đạt 3.096 tỉ đồng, tăng trưởng 4,5% so với cùng kì. Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) cũng lỗ ròng 40 tỉ đồng 9 tháng đầu năm.
Theo ước tính của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), doanh thu toàn tập đoàn dự kiến đạt 29.555 tỉ đồng, thực hiện 64% KH năm, giảm 8% so với cùng kì năm 2019. Sau khi trừ các khoản chi phí, Vinachem ước lỗ 9 tháng 1.739 tỉ đồng.
Tập đoàn cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá ở miền Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón.