|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tôm, cá Việt bơi giữa hai làn nước

08:25 | 10/11/2020
Chia sẻ
Giữa khó khăn do COVID-19, các doanh nghiệp trong ngành hàng xuất khẩu tỉ USD của Việt Nam vẫn đang tìm cách xoay xở, vượt qua khó khăn để đón lấy cơ hội từ EVFTA mang lại.

Năm 2020 được đánh giá là năm có nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8. 

Tuy nhiên, dịch COVID-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản. 

Giữa khó khăn do COVID-19, các doanh nghiệp trong ngành hàng xuất khẩu tỉ USD của Việt Nam vẫn đang tìm cách xoay xở, vượt qua khó khăn để đón lấy cơ hội từ EVFTA mang lại.

Doanh nghiệp thủy sản giữa tác động kép của COVID-19 và EVFTA - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quí của III của một số doanh nghiệp thủy sản. (Nguồn: M.H tổng hợp từ báo cáo tài chính quí III).

Lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lao dốc trong quí III

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản trên cả ba sàn gần như đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quí III/2020, với kết quả kinh doanh trong quí phân hóa theo lĩnh vực xuất khẩu.

Xét về ngành xuất khẩu cá tra, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong quí III, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang hàng loạt thị trường lớn đều ghi nhận giảm mạnh. 

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân kéo lùi kết quả kinh doanh của nhóm ngành xuất khẩu cá tra. Dù vậy, kết quả kinh doanh quí III/2020 cũng cho thấy những tín hiệu tích cực đã xuất hiện. 

Doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành là CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vẫn giữ vững được doanh số, đạt 1.800 tỉ đồng, chỉ giảm 4% so với cùng kì. Dẫu vậy, quí III công ty ghi nhận lãi đạt 175 tỉ đồng, giảm 31%.

Lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết, lợi nhuận công ty giảm so với cùng kì năm trước chủ yếu do giá bán giảm so với cùng kì. Với lợi nhuận sau thuế 552 tỉ đồng sau 9 tháng, VHC hoàn thành 69% kế hoạch.

CTCP Nam Việt (Mã: ANV) với thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc cho thấy kết quả kinh doanh quí III bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 khiến doanh thu sụt giảm 28% về mức 808 tỉ đồng. 

Trong kì, giá vốn hàng bán giảm 21%, thấp hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp quí III giảm đến 55%, chỉ đạt 107 tỉ đồng trong khi quí III/2019 đạt 237 tỉ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quí III/2020 của Nam Việt còn 40 tỉ đồng, giảm 74% so với cùng kì, tương ứng giảm 112 tỉ đồng. Như vậy, qua 9 tháng, ANV mới hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành như CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) khó khăn hơn khi doanh thu thuần quí III giảm tới 31% và lãi sau thuế giảm 1/2, lần lượt đạt 179 tỉ đồng và 9 tỉ đồng. Sau 9 tháng, công ty mới thực hiện được 21% kế hoạch lãi ròng.

Kết quả kinh doanh ngành tôm khởi sắc

Trong khi xuất khẩu cá tra gặp khó khăn thì ở phương diện khác, các doanh nghiệp ngành tôm lại cho thấy kết quả kinh doanh có phần tươi sáng hơn. Đáng chú ý là hai trường hợp của Thực phẩm Sao Ta và Camimex Group.

Quí III, doanh thu thuần của CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, Mã: FMC) tăng 45% lên 1.620 tỉ đồng. Đây là mức doanh thu kỉ lục theo quí kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu thành lập.

Trong quí III, Sao Ta đã tiêu thụ hơn 6.500 tấn thành phẩm. Doanh thu tiêu thụ đạt gần 69,8 triệu USD, cao nhất trong 25 năm hoạt động.

Tuy nhiên, do giá vốn tăng tới 49% nên lãi gộp chỉ tăng 6% lên 128 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,7% xuống còn 7,9%. Sau khi trừ các loại chi phí hoạt động tăng cao, lãi sau thuế của Sao Ta giảm 8%, còn hơn 70 tỉ đồng.

Tính chung 9 tháng, Sao Ta ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều giảm nhẹ 3%, đạt 162 tỉ đồng. So với kế hoạch năm 2020, qua 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 67% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tương tự, doanh thu thuần trong quí của Camimex cũng tích cực khi doanh thu tăng tới 60% đạt 403 tỉ đồng trong quí. 

Tuy nhiên, theo giải trình của công ty, do đại dịch COVID-19 kéo dài làm gia tăng các chi phí trong phòng chống dịch; giá bán khó nâng lên tương ứng với đà tăng đầu vào khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm 11%, còn 16,5 tỉ đồng.

Với trường hợp của đại gia trong ngành tôm là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), báo cáo tài chính quí III/2020 cho thấy, doanh thu thuần trong kì giảm 16% về còn 4.402 tỉ đồng.

Trong kì, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn dẫn đến lãi gộp chỉ giảm 12% so với cùng kì năm trước, đạt mức 531 tỉ đồng. Biên lãi gộp đạt 12,1%, tăng 0,5% so với quí III/2019.

Dù vậy, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 24%, cùng với chi phí tài chính được tiết giảm đến 60% và chi phí bán hàng giảm 12% đã giúp lợi nhuận sau thuế quí III của MPC tăng trưởng 3% so với cùng kì, đạt 244 tỉ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần là 9.982 tỉ đồng giảm 22% so với 9 tháng đầu năm ngoái, lãi ròng đạt hơn 475 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kì. Như vậy, kết thúc 3 quí đầu năm, MPC đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.

Phân tích thêm về giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU phục hồi và tăng trưởng tốt, Tổng Thư kí VASEP cho rằng, mặc dù sức mua của thị trường không tăng, thậm chí giảm nhiều, nhưng do nguồn cung trên thị trường giảm nên giá cả cũng nhích lên. 

Đồng thời, doanh nghiệp Việt tập trung chuyển hướng xuất khẩu cho hệ thống bán lẻ, phục vụ nhu cầu thiết yếu người tiêu dùng, nên kết quả xuất khẩu trong 9 tháng qua có những triển vọng khả quan.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,7 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kì năm ngoái. Trừ tháng 1, xuất khẩu tôm giữ được đà tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay.

Động lực tăng trưởng ngành thủy sản những tháng cuối năm

Doanh nghiệp thủy sản giữa tác động kép của COVID-19 và EVFTA - Ảnh 2.

Đồ họa: Alex Chu.

VASEP cho biết nhờ "sức ấm" tại một số thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc - Hồng Kông và sự chủ động tích cực đưa sản phẩm cá tra ra thị trường nội địa, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng trưởng từ giữa tháng 10/2020.

Điều này phản ánh xu hướng tích cực dần của thị trường, tuy nhiên, cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng trước khi quyết định mở rộng hay gia tăng đột ngột diện tích nuôi, sản xuất cá nguyên liệu.

Còn với lĩnh vực xuất khẩu tôm, trên thị trường EU, nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kì nghỉ lễ cuối năm, đồng thời do nguồn cung tôm trên thế giới đang bị thiếu hụt, đặc biệt là tại Ấn Độ nên dự kiến việc xuất khẩu của Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ có nhiều điểm sáng tích cực.

EU là thị trường có tỉ suất lợi nhuận tốt và đây sẽ là thị trường được nhiều doanh nghiệp tập trung xuất khẩu trong những tháng cuối năm, VASEP nhận định.

Minh Hằng