Trường phái Chicago trong cạnh tranh (Chicago School of Antitrust Analysis) là gì?
Trường phái Chicago trong cạnh tranh
Khái niệm
Trường phái Chicago trong cạnh tranh trong tiếng Anh được gọi là Chicago School of Antitrust Analysis.
Trường phái Chicago có quan điểm chủ đạo là chính phủ chỉ nên đóng vai trò tối thiểu, như làm người bảo đảm pháp luật và trật tự xã hội, phân định quyền sở hữu,… tuy nhiên phải đảm bảo khuyến khích cạnh tranh và chống độc quyền.
Lịch sử phát triển
Từ những năm 70 của thế kỉ trước, Hoa Kỳ xuất hiện nhiều học thuyết về cạnh tranh, trong đó có đề cập đến vai trò của Nhà nước trong điều tiết kinh tế và kiểm soát độc quyền.
Trong số các học thuyết đó, trường phái Chicago với cương lĩnh phát triển chính sách chống độc quyền đã gây được ảnh hưởng mạnh mẽ.
Lí thuyết về chính sách cạnh tranh của trường phái Chicago đã trở thành "châm ngôn" về chính sách chống độc quyền trong những năm 80 của thế kỉ XX tại Hoa Kỳ.
Quan điểm trường phải Chicago
Trong giai đoạn hình thành một trường phái kinh tế học riêng, các học giả của trường phái Chicago có các quan điểm chung của mình gồm:
- Thị trường vận hành như là những trò chơi tự do của những người có khả năng mà không có can thiệp của nhà nước theo cách kẻ khoẻ nhất và tốt nhất sẽ tồn tại.
- Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế chỉ trong khuôn khổ nhất định và điều kiện nhất định. Trong mối quan hệ này, sự can thiệp của Nhà nước chỉ mức độ can thiệp vào kinh tế tối thiểu để thu được hiệu quả tối đa theo nguyên lí Pareto.
- Ứng dụng của các tư tưởng kinh tế học sang tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như economics of marriage (kinh tế học hôn nhân), economics of crime (kinh tế học tội phạm).
- Tư tưởng kinh tế học của trường phái Chicago mang tính tự do, khoan dung nhưng dựa trên các giá trị cổ điển.
Riêng trong lĩnh vực cạnh tranh, trường phái này cho rằng, cạnh tranh là cuộc chạy đua để xác định những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất, nhà nước có vai trò đảm bảo trật tự chung và chỉ nên can thiệp vào cạnh tranh một cách hạn chế để đạt được hiệu quả tối đa (Pareto – optimum).
Mục đích chung của chính sách chống độc quyền của Hoa Kỳ theo trường phái này là tối da hoá lợi ích của người tiêu dùng.
Đồng thời, hướng tới việc bảo vệ lợi ích của những chủ thể tham gia phía cầu, các cơ quan kiểm soát độc quyền cần xem xét ảnh hưởng của hành vi độc quyền dưới hai tiêu chí cơ bản:
- Thứ nhất, đối với sự phân bố có hiệu quả của mọi nguồn lực kinh tế;
- Thứ hai, đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những ảnh hưởng lớn của trường phái Chicago trong lĩnh vực cạnh tranh, kể từ những năm 80 của thế kỉ XX, việc xử lí những xung đột giữa các mục tiêu pháp lí của chính sách chống độc quyền với các mục tiêu kinh tế khác của chính phủ theo những phương hướng mới ở Hoa Kỳ.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Cạnh tranh, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010)