|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hình thức cạnh tranh là gì? Các hình thức chủ yếu

11:17 | 10/01/2020
Chia sẻ
Sự biểu hiện ra bên ngoài mà người ta có thể nhận biết được hoạt động cạnh tranh chính là hình thức cạnh tranh.
Hình thức cạnh tranh là gì? Các hình thức chủ yếu - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: dynamicbusiness)

Hình thức cạnh tranh

Khái niệm

Hình thức cạnh tranh tạm dịch sang tiếng Anh là Competition Forms.

Sự biểu hiện ra bên ngoài mà người ta có thể nhận biết được hoạt động cạnh tranh chính là những hình thức nhất định của cạnh tranh.

Trong đó

Có khá nhiều định nghĩa, cách hiểu khác nhau về cạnh tranh. Chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt định nghĩa cạnh tranh là tranh đua giữa những cá nhân, tập thể có chức năng như nhau, nhằm giành phần hơn, phần thắng về phía mình. 

Cạnh tranh cũng có thể được hiểu là sự đấu tranh để giành lợi thế thương mại. 

Do tính chất đa dạng và phức tạp của quá trình cạnh tranh trong nền kinh tế hiện đại, các định nghĩa về cạnh tranh mặc dù đều nêu được trong chừng mực nhất định những đặc điểm căn bản về cạnh tranh, tuy vậy, chúng đều có những hạn chế nhất định và chưa đảm bảo tính khái quát cao và bao trùm trong thực tiễn.

Nhìn chung, cạnh tranh được coi là hành vi của hai hoặc nhiều chủ thể trong kinh doanh (trong nền kinh tế thị trường) với mục đích giành cho mình những ưu thế cao nhất so với chủ thể khác.

Các hình thức

Tuỳ vào hoàn cảnh thị trường cũng như năng lực cạnh tranh thực tế của chủ thế kinh doanh, cạnh tranh có thể được diễn ra dưới những hình thức sau:

- Cạnh tranh thực tế là những loại hình cạnh tranh với những biểu hiện cạnh tranh trực tiếp trên thị trường thông qua những phương tiện cơ bản như giá cả, chất lượng hàng hoá/ dịch vụ.

Hình thức cạnh tranh này phổ biến nhất, vì đã tham gia vào thị trường, doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh nếu muốn tồn tại và phát triển.

- Cạnh tranh tiềm năng là hình thức cạnh tranh tồn tại do những nguyên nhân tiềm năng trên thị trường. 

Điều này buộc doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược cạnh tranh phải tính tới các yếu tố mang tính tiềm năng có thể xuất hiện trên thị trường như đa dạng hoá sản phẩm (product extension), thành lập công ty mới (establish a new company); những chủ thể mới có thể gia nhập thị trường (newcomer)…

- Cạnh tranh thay thế là hình thức cạnh tranh mà doanh nghiệp dựa trên khả năng tự thay đổi phương thức, hình thức kinh doanh, cách thức tính giá, R&D, áp dụng kĩ thuật, công nghệ mới…

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Cạnh tranh, TS. Tăng Văn Nghĩa, Đại học Ngoại Thương, NXB Giáo dục Việt Nam)

Diệu Nhi