Lí luận cạnh tranh của John Bates Clark là gì? Nội dung
Lí luận cạnh tranh của John Bates Clark
Khái niệm
Lí luận cạnh tranh của John Bates Clark tạm dịch sang tiếng Anh là Competition theory of John Bates Clark.
Lí luận cạnh tranh của John Bates Clark quan tâm đến tác động tiêu cực của độc quyền và kết luận rằng khi những quyền lực kinh tế như vậy còn tồn tại thì chúng cần bị hạn chế nếu muốn duy trì tình trạng cạnh tranh hoàn hảo.
Nội dung
Cũng như các nhà kinh tế học cổ điển từ Adam Smith, John B. Clark bắt đầu quan tâm đến tác động tiêu cực của độc quyền, thông qua sức mạnh đôc quyền của họ, hãng độc quyền sẽ hạn chế lượng đầu ra và tăng giá, bởi vậy, cung ít hàng hoá hơn cho người tiêu dùng và hàng hoá cũng đắt đỏ hơn.
Ông cho rằng, bất cứ điều gì cản cạnh tranh đều không tốt và đáng bị phản đối. Điều này bao gồm cả việc liên đoàn đe doạ đình công và sử dụng mối đe doạ đó để đòi mức lương cao hơn sản phẩm biên của công nhân.
Tuy nhiên, những cản trở cạnh tranh cũng có thể do các hãng sản xuất gây ra, từ đó, John B. Clark bắt đầu nghiên cứu độc quyền, một dạng khác của cạnh tranh không hoàn hảo và những thông lệ kinh doanh có thể cản trở cạnh tranh.
John B. Clark cũng nhận ra rằng, khi có sức mạnh thị trường, nhà sản xuất có thể đặt mức giá đối với hàng hoá của họ thấp hơn chi phí sản xuất.
Điển hình của hành vi thể hiện thông qua "đặt giá thôn tính" (predatory pricing) đối với cạnh tranh trong nước, "bán phá giá" (antidumping) khi cạnh tranh trong việc bán hàng ra nước ngoài.
Đây là một trong những hành vi cạnh tranh lạm dụng sức mạnh thị trường nhằm đẩy đối thủ cạnh tranh ra khỏi ngành và tiến tới thâu tóm sức mạnh độc quyền và thu được lợi nhuận cao hơn trong tương lai. Những nghiên cứu này cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự của nó.
Tuy nhiên, có thể thấy chủ đề nổi bật xuyên suốt kinh tế học của John B. Clark là tầm quan trọng của cạnh tranh giữa các hãng trong nền kinh tế.
Cạnh tranh là cần thiết để bảo đảm mọi người đều được trả phần mà họ đóng góp trong quá trình sản xuất và mọi người đều có phần phân phối thu nhập công bằng, cạnh tranh cũng là cần thiết để kiềm chế các hãng lớn lạm dụng sức mạnh kinh tế của họ.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Cạnh tranh, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010)