Trung Quốc: Nhiên liệu phi hóa thạch chiếm hơn 50% tổng công suất điện lắp đặt
Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 12/6 dẫn lời một quan chức của Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia đưa tin các nguồn năng lượng nhiên liệu phi hóa thạch của Trung Quốc hiện đã vượt 50% tổng công suất phát điện lắp đặt của nước này.
Các nguồn điện phi hóa thạch, như điện gió và điện Mặt Trời, chiếm 50,9% tổng công suất lắp đặt của Trung Quốc, có nghĩa là nước này đã hoàn thành mục tiêu mà chính phủ đề ra vào năm 2021 là đến năm 2025 nâng công suất năng lượng tái tạo vượt công suất nhiên liệu hóa thạch.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tính đến cuối năm 2022, công suất phát điện lắp đặt của nước này là 2.564,05 GW.
Trung Quốc đã dành nhiều nguồn lực cho việc xây dựng công suất năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Nước này đã xây các nhà máy thủy điện, điện gió và năng lượng Mặt Trời lớn ở phía Tây với mục tiêu trước năm 2030 có thể bắt đầu giảm lượng khí thải carbon.
Tuy nhiên, hoạt động tiêu thụ năng lượng tại nước này vẫn thiên về các nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá. Theo số liệu của NBS, năm 2022, than đá chiếm 56,2% tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 25,9% của các loại năng lương tái tạo bao gồm cả năng lượng hạt nhân.