Thị trường nhiên liệu sắp chịu thêm đòn đánh mạnh tay từ phương Tây
Lỗ hổng lớn
Chỉ còn vài tuần nữa các nước phương Tây sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt gay gắt lên một bộ phận lớn của thị trường dầu diesel, nhiên liệu chính của nền kinh tế toàn cầu.
Từ ngày 5/2, Liên minh châu Âu (EU), G-7 và các nước đồng minh sẽ cố gắng áp đặt mức trần đối với giá nhiên liệu xuất khẩu của Nga. Hình phạt này có liệu lực cùng với ngày EU cấm nhập khẩu hầu hết các sản phẩm dầu từ Nga.
Phương Tây đã áp dụng các biện pháp tương tự đối với các lô hàng dầu thô của Nga. Nhưng mức giá trần và lệnh cấm đối với các loại nhiên liệu tinh chế - đặc biệt là dầu diesel – khiến một số nhà quan sát cực kỳ lo ngại về nguy cơ giá tăng vọt.
Trước khi tấn công Ukraine, Nga là nước xuất khẩu dầu diesel lớn nhất sang châu Âu và châu Âu vẫn đang tiếp tục mua lượng lớn sản phẩm này cho đến khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực. Kết quả là các biện pháp trừng phạt mới rất có thể sẽ khiến các tuyến đường chở dầu diesel toàn cầu phải định hướng lại. Trong ngắn hạn, có nguy cơ giá diesel sẽ tăng cao.
- TIN LIÊN QUAN
-
Phương Tây chuẩn bị áp trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ của Nga, tác động có thể lớn hơn cơ chế giá trần trước đây 12/01/2023 - 14:34
Ông Keshav Lohiya, nhà sáng lập công ty tư vấn Oilytics, cho biết: “Việc mất đi các thùng dầu diesel từ Nga sẽ tạo ra lỗ hổng lớn, và việc thay thế chúng là thách thức logistics khổng lồ.
Nhưng thị trường hiện tại không phản ánh dự đoán về sự hoảng loạn lớn do thị trường và các dòng chảy thương mại đã chứng minh sức bền bỉ trước các lệnh trừng phạt. Thế giới sẽ vẽ lại bản đồ của các tuyến đường chở dầu diesel”.
Theo tờ Bloomberg, EU sẽ phải tìm nhà cung cấp mới cho khoảng 600.000 thùng dầu diesel/ngày. Còn Nga sẽ cần tìm người mua mới cho lượng nhiên liệu trên, dự trữ chúng trên thuyền hoặc cắt giảm sản lượng tại các nhà máy tinh chế.
Trong thời gian qua, Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường xuất khẩu diesel sang EU bởi sản lượng của hai nước này cao hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trung Quốc cũng được cho là sẽ bán thêm dầu diesel sang các thị trường lân cận, gián tiếp đẩy các chuyến hàng từ những nhà cung cấp khác tới châu Âu.
Việc Ấn Độ cung cấp nhiên liệu cho châu Âu là điều rất đáng chú ý. Bởi Ấn Độ là một trong những người mua lớn nhất của dầu thô Nga giá rẻ kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.
Nếu lượng diesel Ấn Độ bán sang EU tăng lên đáng kể sau ngày 5/2 thì có thể khẳng định chắn chắn rằng dầu thô Nga được mua và tinh chế thành diesel tại Ấn Độ rồi tiếp tục được bán sang châu Âu.
Kiểu kinh doanh trên không vi phạm quy tắc của EU, nhưng chúng làm lộ rõ sự kém hiệu quả của các lệnh trừng phạt. Về cơ bản, các sản phẩm nhiên liệu của Nga vẫn sẽ quay lại điểm đến ban đầu là châu Âu, nhưng quãng đường vận tải của chúng lại bị kéo dài thêm hàng nghìn km.
- TIN LIÊN QUAN
-
Châu Âu gặp vận may không tưởng trong cuộc khủng hoảng năng lượng 13/01/2023 - 10:20
Trong mùa đông năm nay, các dự báo u tối nhất về sự khan hiếm dầu đã không xảy ra. Giá dầu diesel đã hạ nhiệt nhờ thời tiết ấm áp bất thường và dòng chảy vào châu Âu.
Giá dầu thô sụt giảm sau khi các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga có vẻ chỉ làm thay đổi các tuyến đường xuất khẩu thay vì cắt đứt chúng.
Những người mua mới của Moscow sẽ là các thương nhân ở châu Âu, Mỹ Latinh và có thể là cả châu Á. Còn đối với châu Âu, khả năng cao là họ sẽ tìm đến Trung Đông, nơi các nhà máy tinh chế khổng lồ mới đang tăng cường hoạt động.
Tuy nhiên, công ty tư vấn Energy Aspect cho rằng Nga sẽ chỉ tìm được người mua mới cho 1/3 lượng diesel xuất khẩu của nước này. Phần còn lại sẽ bị cắt giảm.
Ông Amrita Sens, trưởng chuyên gia phân tích của Energy Aspect, cho biết: “Lệnh cấm vận dầu diesel sẽ gây rắc rối thực sự cho Nga bởi nước này khó mà tìm được người mua thay cho châu Âu”.
Rắc rối với hoạt động tinh chế
Ngành tinh chế dầu mỏ của châu Âu đang chuẩn bị bước vào mùa bảo dưỡng định kỳ, và cũng đang đối mặt với sự gián đoạn.
Nếu các cuộc đình công ở Pháp tái diễn thì có nguy cơ một số nhà máy tinh chế nhiên liệu của nước này sẽ phải đóng cửa chỉ một ngày sau khi các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga có hiệu lực.
Hai nhà máy lọc dầu ở miền đông nước Đức đang phải giảm sản lượng vì nguồn cung dầu thô từ các đường ống lọc dầu của Nga bị tạm ngừng.
Các vấn đề kỹ thuật và logistics cũng có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Thị trường bảo hiểm chiến tranh cho các tàu ghé thăm Nga vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng sau khi các công ty tái bảo hiểm quan trọng rút lại một số chính sách. Chi phí đối với tàu chở dầu đã từng tăng đột biến trước khi châu Âu trừng phạt dầu thô từ Nga.
Hiện tại, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường dầu sẽ rơi vào hoảng loạn. Câu hỏi quan trọng trong những tuần tới là liệu các quốc gia có thể biến đổi dòng chảy diesel thế giới không.
Ông Eugene Lindell, trưởng bộ phận sản phẩm tinh chế tại công ty tư vấn FGE, khẳng định: “Thị trường sẽ luôn giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng là nỗi đau sẽ lớn đến nhường nào?”