Trung Quốc có thể vô tình trở thành người thắng lớn trong cuộc chiến áp thuế nhôm của ông Trump
Mỹ thu về hơn 1,4 tỷ USD từ thuế nhập khẩu thép, nhôm |
Trong khi các công ty nhôm Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn thuế quan tương tự như nhiều nhà xuất khẩu khác sang Mỹ, họ dường như được lợi từ một vài (gần như là) kết quả không lường trước từ những chính sách của chính quyền ông Trump.
Thuế quan và các biện pháp chống lại nhà sản xuất lớn từ Nga, Rusal, của ông Trump, cùng với vụ đình công hoạt động khai thác nhôm và bauxite của công ty Alcoa tại miền Tây Australia đang khiến thị trường nhôm chao đảo.
Cộng thêm hành động tăng thuế quan gấp hai lần đối với nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ của ông Trump, kết quả là thị trường, gần như rơi vào tình trạng thâm hụt nguồn cung nhỏ trong năm nay, hiện lo ngại nhiều hơn về rủi ro gián đoạn nguồn cung.
Công ty Rusal, sản xuất 1,87 triệu tấn nhôm trong 6 tháng đầu năm, là nhà cung cấp lớn không chỉ tại Mỹ, mà còn tại những quốc gia khác trên thế giới.
Theo Reuters, công ty lo ngại sẽ phải dừng sản xuất hoặc dự trữ sản lượng nếu thỏa thuận về lệnh trừng phạt của Mỹ không đạt được.
Chính quyền ông Trump cho các khách hàng Mỹ của Rusal thời hạn đến ngày 23/10 để kết thúc hợp đồng với công ty của Nga.
Nếu không thỏa thuận nào đạt được trong việc kéo dài, hoặc sửa đổi thời hạn đó, thị trường nhôm có thể đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng khi sản lượng của Rusal bị chặn tiếp cận với thị trường thế giới.
Thuế quan của ông Trump cũng ảnh hưởng tới chính các nhà sản xuất nhôm Mỹ, với Alcoa yêu cầu được miễn chịu thuế vì công ty phải nhập khẩu các sản phẩm nhôm quan trọng từ các cơ sở tại Canada.
Hồi tháng 7, Alcoa cho biết sẽ nợ tới 14 triệu USD một tháng cho chi phí bổ sung, chủ yếu từ thuế quan đánh lên nhôm nhập khẩu từ Canada, nhà cung cấp lớn nhất của họ.
Nếu Rusal bị ngăn cách với thị trường nhôm thế giới, và nếu các cuộc biểu tình dẫn tới gián đoạn nguồn cung, thì sẽ chỉ một vài nhà sản xuất có thể được lợi.
Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc đang trong vị thế tốt nhất?
Các nhà sản xuất nhôm của Trung Quốc chắc chắn có công suất dư thừa, và giả sử họ có thể đối phó với các biện pháp chống ô nhiễm môi trường, thì họ có thể sản xuất thêm kim loại nhẹ, được sử dụng trong các sản phẩm như lon đồ uống và ô tô.
Sản lượng nhôm toàn cầu đạt 5,321 triệu tấn trong tháng 6, giảm 2,2% so với tháng trước đó, theo số liệu công bố hôm 20/7 của Tổ chức nhôm quốc tế.
Tuy nhiên, sản lượng nhôm của Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu, đã tăng mạnh trong cùng thời điểm lên 2,83 triệu tấn, tăng 1,6% so với tháng trước.
Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng hàng ngày trong tháng 6 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt khoảng 94.000 tấn, chỉ sau mức cao kỷ lục được ghi nhận.
Các nhà luyện kim Trung Quốc đang phản ứng với đà tăng của giá nhôm nội địa, với chỉ số Thượng Hải đã tăng 5% từ mức thấp ghi nhận vào giữa tháng 7 lên gần 14.520 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2.110 USD/tấn) hôm 10/8.
Trong khi thuế quan của Mỹ đối với nhôm nhập khẩu chỉ mới có hiệu lực bắt đầu từ tháng 6, chúng có vẻ vẫn chưa ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Xuất khẩu nhôm chưa gia công và sản phẩm nhôm đạt 519.000 tấn trong tháng 7, con số này chỉ thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục được ghi nhận, theo số liệu thương mại sơ bộ công bố ngày 8/8.
Như vậy, xuất khẩu nhôm của Trung Quốc đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, và xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đã tăng 13,6% so với năm 2017.
Số liệu này cho thấy ngành nhôm Trung Quốc không gặp khó khăn, vấn đề chính của họ là cố gắng tối đa sản lượng trong khi vẫn tuân thủ các lệnh hạn chế ô nhiễm môi trường mới.
Tuy nhiên, các nhà luyện kim mới và hiệu suất tốt hơn có thể giúp Trung Quốc sản xuất nhiều nhôm với chi phí thấp, trong khi cũng giảm phát thải trên một đơn vị.
Khi ông Trump triển khai thuế quan nhôm, thép ông đăng tải trên Twitter rằng “chiến tranh thương mại là một điều tốt, và dễ dàng dành chiến thắng”.
Đối với ngành nhôm, hành động của ông cho tới thời điểm này là làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến các nhà sản xuất hàng đầu nước Mỹ giận dữ, tăng chi phí sản xuất tại Mỹ và những quốc gia khác, và có thể khiến mục tiêu số một của ông, Trung Quốc, trở thành người được hưởng lợi chính.