|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trọng tài thương mại (Commercial Arbitration) là gì? Thẩm quyền của trọng tài thương mại

11:43 | 05/12/2019
Chia sẻ
Trọng tài thương mại (tiếng Anh: Commercial Arbitration) là phương thức giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài do các bên thỏa thuận, có thể được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng tòa án.
Trọng tài thương mại (Commercial Arbitration) là gì? Thẩm quyền của trọng tài thương mại - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: sblaw.vn)

Trọng tài thương mại (Commercial Arbitration)

Khái niệm

Trọng tài thương mại trong tiếng Anh là Commercial Arbitration.

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp (tranh chấp ở đây là các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010) do các bên thỏa thuận, có thể được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án.

Theo quy định của Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: "Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này".

Trong điều khoản trọng tài, các bên có thể thảo thuận về việc xác định vi phạm những tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên, việc xác định phạm vi giải quyết bằng trọng tài cần phải dựa trên qui định của pháp luật.

Trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai giúp doanh nghiệp giữ bí mật được các thông tin tranh chấp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 qui định rõ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm:

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật qui định được giải quyết bằng trọng tài.

Trường hợp các bên đã xác định loại hình tranh chấp để giải quyết bằng trọng tài nhưng tranh chấp đó lại không thuộc loại có thể giải quyết bằng thủ tục trọng tài và cơ quan trọng tài đã tiến hành giải quyết tranh chấp. 

Hoặc trọng tài ra phán quyết nhưng lại vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền xét xử của trọng tài, hoặc phán quyết mâu thuẫn với chính sách công và các nguyên tắc pháp lí cơ bản của quốc gia thì luật pháp về trọng tài của nhiều nước và nhiều qui tắc trọng tài của các tổ chức quốc tế cho phép tòa án có thể xem xét lại và đình chỉ thi hành phán quyết của trọng tài.

Ví dụ theo Luật trọng tài Malaisia, tòa án tối cao có quyền hủy bỏ phán quyết của trọng tài nếu trọng tài viên xét xử vượt quá thẩm quyền của mình hoặc phán quyết vi phạm trật tự công cộng, hoặc theo Bộ Luật Tố tụng dân sự Indonesia, tòa án có quyền hủy bỏ phán quyết nếu phán quyết được lập ngoài phạm vi được qui định trong thỏa thuận trọng tài.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB ĐH Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng