|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Toan tính phía sau chính sách 'ngoại giao khẩu trang' của Trung Quốc tại châu Âu

17:34 | 29/03/2020
Chia sẻ
Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đang hào phóng cung ứng vật tư y tế sang châu Âu. Một số nước bày tỏ thái độ trân trọng trước hành động ấy, song nhiều chính phủ lại hoài nghi về động cơ của Bắc Kinh.

Đầu tháng 3, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis đã nổi giận với Đại sứ Trung Quốc tại Prague và yêu cầu Bắc Kinh thay thế đại sứ. Vài tuần sau, ông Babis và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Jan Hamacek lại hết lời khen ngợi Đại sứ quán và Đại sứ Trung Quốc Zhang Jianmin.

Yếu tố tạo nên bước ngoặt về thái độ của chính phủ Czech là vào hôm 21/3, Trung Quốc đã vận chuyển lô vật tư đầu tiên, gồm 1,1 triệu khẩu trang y tế và mặt nạ phòng độc, để hỗ trợ giới chức Czech kiểm soát đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn to lớn đến Trung Quốc vì đã tương trợ", Bộ trưởng Hamacek đăng lời cảm ơn trên Twitter vào tuần trước sau khi lô hàng đến Czech thành công.

Với lô vật tư y tế vô cùng cần thiết trên, chính phủ Czech dường như đã tha thứ, hoặc chí ít gạt sang một bên lời đe dọa của Đại sứ Zhang Jianmin về việc sẽ trừng phạt các doanh nghiệp Czech hoạt động tại Trung Quốc nếu có thêm nhà chính trị cấp cao nào khác của đất nước châu Âu ghé thăm Đài Loan.

Trung Quốc hào phóng tặng khẩu trang, vật tư y tế cho châu Âu

Theo Nikkei Asian Review, câu chuyện tương tự đang diễn ra trên khắp châu Âu: Khi tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc lắng dịu và các tâm chấn mới xuất hiện tại châu Âu, chính phủ Trung Quốc cùng một số công ty công nghệ lớn như Huawei đang tung ra nhiều gói cứu trợ.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc, vốn nhằm mục đích đạt lợi ích về mặt ngoại giao cho Bắc Kinh, đang dần thu hút phản ứng trái chiều.

Bắc Kinh "sẽ cố tận dụng cơ hội này và thể hiện bản thân như một đối tác hữu ích của châu Âu thông qua cung ứng thiết bị y tế và chuyên môn y khoa", ông Richard Q. Turcsanyi - giám đốc cấp cao tại viện Central European Institute of Asian Studies thuộc Đại học Palacky Olomouc (CH Czech), nhận định.

Trên thực tế, Trung Quốc đã cử y bác sĩ, vận chuyển máy thở và khẩu trang y tế đến nhiều nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Serbia.

Giới truyền thông đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã chia sẻ với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hồi tuần trước rằng ông hi vọng sẽ tạo ra một "con đường tơ lụa về y tế" song song với Sáng kiến Vành đai và Con đường với Italy.

Đương nhiên Czech không phải là nước duy nhất bày tỏ thái độ trân trọng đối với sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Đằng sau chính sách 'ngoại giao khẩu trang' của Trung Quốc tại châu Âu - Ảnh 1.

Sau chặng đường dài, khẩu trang Trung Quốc đã "hạ cánh" tại Athens, Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia - quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu, cho rằng tình đoàn kết của các nước châu Âu là một "câu chuyện cổ tích" và khẳng định Trung Quốc mới là "nước duy nhất có thể giúp đỡ Serbia".

Cùng thời gian đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italy Luigi Di Maio bình luận: "Chúng tôi sẽ nhớ mãi về những người đã kề cạnh Italy trong cơn hoạn nạn", tức đề cập đến Trung Quốc.

Các quốc gia cảm thấy họ không thể dựa dẫm vào sự hỗ trợ từ các nước láng giềng EU chứ đừng nói đến Mỹ. Thậm chí, đại sứ các nước này ở Mỹ còn sửng sốt khi Tổng thống Trump cấm du khách châu Âu nhập cảnh vào Mỹ từ ngày 13/3. Hành động ấy có thể khiến họ dễ chấp nhận ý tưởng Trung Quốc là vị cứu tinh trong đại dịch COVID-19.

Chiến lược "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc tác động thế nào đến châu Âu?

Ít nhất chiến lược của Bắc Kinh có thể thu hút sự chú ý của người dân theo chủ nghĩa hoài nghi tại châu Âu trong thời gian ngắn, Nikkei dẫn lời bà Lucrezia Poggetti - nhà phân tích tại viện Mercator Institute for China Studies (Berlin), cho hay.

"Tuy nhiên, về lâu dài, chính phủ Trung Quốc sẽ khó che giấu và thậm chí khó công khai đổ lỗi cho nước khác về đại dịch COVID-19", bà Poggetti nói.

Mặc dù bà Poggetti nhận định "chính sách ngoại giao qua khẩu trang y tế" có thể giúp Bắc Kinh đạt "quyền lực mềm trong thời gian ngắn", chiến lược "tuyên truyền bên ngoài của họ cũng có thể phản tác dụng nếu đi quá xa như lúc này".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã trở thành quan chức chính phủ mới nhất đưa ra các thuyết âm mưu, theo đó ông Zhao cho rằng virus corona chủng mới gây dịch COVID-19 bị quân đội Mỹ phát tán tại Trung Qốc.

Tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris cũng đưa ra các thuyết âm mưu tương tự, theo Nikkei.

Hôm 22/3, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist đã công khai cảnh báo rằng giới truyền thông Trung Quốc và Nga đang tham gia vào chiến dịch gây nhiễu loạn thông tin nhằm làm lu mờ quá trình xử lí khủng hoảng y tế trong nước.

Theo Nikkei, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rằng phản ứng của Stockholm là "đầu hàng" đại dịch COVID-19.

Đằng sau chính sách 'ngoại giao khẩu trang' của Trung Quốc tại châu Âu - Ảnh 2.

Vật tư y tế được phân loại tại sân bay ở Hàng Châu, Trung Quốc trước khi vận chuyển đến Italy. Ảnh: Reuters

Chính phủ các nước châu Âu đang miễn cưỡng kháng cự. Xét cho cùng, Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị y tế lớn, cung cấp tới 50% nguồn cung khẩu trang N95 của thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng câu chuyện mà Trung Quốc đang kể không thu hút được nhiều sự chú ý tại châu Âu.

Ông Jean-Pierre Cabestan - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nhận định câu chuyện chống dịch của Bắc Kinh "là không đáng tin cậy trong mắt đa phần người dân châu Âu".

Vị giáo sư nói thêm rằng công chúng châu Âu "biết rõ" Trung Quốc phản ứng chậm chạp và đã cố gắng che đậy sự bùng phát ở tâm dịch Hồ Bắc cho đến cuối tháng 1, từ đó dẫn đến đại dịch toàn cầu.

Ở Phần Lan, nhà nghiên cứu Jukka Aukia của Đại học Turku cho hay quan điểm phổ biến tại nước này là dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc do quản lí yếu kém, che đậy và vấn đề vệ sinh chung kém. 

"Thật khó để biết Trung Quốc phải làm gì mới giành được ưu điểm trong công chúng châu Âu"", ông bình luận.

Ngoài ra, một mối lo ngại khác chính là mức độ phụ thuộc ngày càng lớn vào Bắc Kinh. Bà Poggetti nhận thấy dường như chính phủ các nước châu Âu không yên tâm và muốn bảo vệ bản thân khỏi sự can thiệp của nước ngoài trong thời điểm bất ổn này.

Pháp và Italy từng khẳng định họ sẽ sàng lọc dự án đầu tư nước ngoài kĩ hơn để bảo vệ các công ty chiến lược khỏi tay nhà đầu tư ngoại, cụ thể là Trung Quốc. EU đã tăng cường qui tắc này vào năm ngoái.

Nikkei cũng cho rằng Trung Quốc có thể đã bỏ lỡ cơ hội vàng. Ông Andrew Small - thành viên cấp cao tại viện German Marshall Fund of the United States, nhận định Trung Quốc sẽ cải thiện đáng kể hình ảnh nếu tránh chính trị hóa việc cung ứng vật tư y tế cho châu Âu.

Tuy nhiên, hiện tại châu Âu đang mơ hồ nhận thấy rằng giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc đang sử dụng đại dịch COVID-19 để đạt ưu thế.

Một trường hợp đáng chú ý là việc Huawei quyên góp 800.000 khẩu trang y tế cho Hà Lan vào tuần trước. Các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu hành động ấy xuất phát từ lòng tốt hay chỉ vì cuộc đấu giá mạng 5G dự kiến diễn ra tại Amsterdam vào tháng 6 tới.

Chính phủ Hàn Lan chưa quyết định đứng về phía Mỹ và các đồng hương châu Âu khác cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G trong nước vì lo ngại gián điệp hay không.

Tương tự, nhiều người cũng tự hỏi điều gì đã thúc đẩy Jack Ma - nhà sáng lập kiêm cựu chủ tịch điều hành của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding, giải cứu Ukraine. Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo Jack Ma "đã tài trợ 80 triệu USD" chi phí vật tư y tế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.