Toàn cầu hóa thị trường (Globalization of Market) là gì?
Toàn cầu hóa thị trường
Khái niệm
Toàn cầu hóa thị trường trong tiếng Anh là Globalization of market.
Toàn cầu hóa thị trường là việc thị trường quốc gia riêng biệt và đặc thù đang hội nhập dần hình thành thị trường toàn cầu. Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại qua biên giới đã làm cho việc kinh doanh quốc tế ngày càng trở nên dễ dàng.
Nội dung về toàn cầu hóa thị trường
Thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước khác nhau cũng có xu hướng tiệm cận lại gần với nhau và với chuẩn mực toàn cầu, góp phần tạo nên thị trường toàn cầu. Các sản phẩm tiêu dùng như thẻ tín dụng của hãng Citigroup, đồ uống Coca-Cola, thiết bị chơi game Sony PlayStation, bánh kẹp McDonald's... đang được coi là những ví dụ điển hình minh chứng cho xu hướng này.
Các doanh nghiệp quốc tế, công ty đa quốc gia không chỉ là chủ thể hưởng lợi từ xu hướng này mà còn tích cực khuyến khích cho xu hướng này mở rộng và phát triển. Bởi việc cung cấp cùng một sản phẩm trên toàn thế giới, các doanh nghiệp này góp phần tạo ra thị trường toàn cầu.
Một doanh nghiệp không nhiết thiết phải có một qui mô khổng lồ như một công ty đa quốc gia, công ty xuyên quốc gia để được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa các thị trường. Ví dụ, tại Mỹ, gần 90% các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm là các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 100 người lao động, và tỉ trọng xuất khẩu của những doanh nghiệp này chiếm tới trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.
Mặc dù có những ví dụ thể hiện thị trường toàn cầu đang hình thành như thẻ tín dụng của hãng Citigroup, bánh kẹp McDonald's... thì chúng ta cũng cần lưu ý không hẳn thị trường quốc gia đang mở rộng cửa để trở thành thị trường toàn cầu.
Điều này xảy ra bởi lẽ những khác biệt đáng kể vẫn tồn tại giữa những thị trường quốc gia như thị hiếu người tiêu dùng, hệ thống kênh phân phối, hệ thống giá trị văn hóa, hệ thống doanh nghiệp và qui định luật pháp. Sự khác biệt này thường xuyên đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh các chiến lược marketing, các đặc điểm thiết kế sản phẩm, hay phương pháp vận hành doanh nghiệp để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia.
Những thị trường có tính chất toàn cầu nhất thường không phải những thị trường hàng tiêu dùng. Bởi vì sự khác biệt về thị hiếu người tiêu dùng mà mỗi quốc gia vẫn duy trì là yếu tố quyết định làm cản trở quá trình toàn cầu hóa các thị trường này.
Thị trường hàng công nghiệp và nguyên nhiên vật liệu thì có tính toàn cầu hơn do nhu cầu trên thế giới về cơ bản là giống nhau. Bao gồm những thị trường nguyên liệu như nhôm, dầu và lúa mì; các sản phẩm công nghiệp như bộ vi tính, chip nhớ của máy tính, máy bay dân dụng, phần mềm máy tính hay các sản phẩm tài chính như trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ, kì phiếu của chỉ số Nikkei,...
Trên nhiều thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp hoạt động giống nhau thường cạnh tranh quyết liệt với nhua ở quốc gia này rồi ở quốc gia kia. Cuộc cạnh tranh của Coca-Cola và Pepsi Co là cuộc cạnh tranh toàn cầu, tương tự là cạnh tranh giữa Boeing và Airbus, McDonald's và KFC,...
(Theo Giáo trình Kinh doanh quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống kê)