|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tổ chức Phi Chính phủ (Non-governmetal Organizations - NGOs) là gì?

10:06 | 19/10/2019
Chia sẻ
Tổ chức Phi Chính phủ (tiếng Anh: Non-governmetal Organizations, viết tắt: NGOs) có một khối lượng thành viên và nguồn tài chính dồi dào, đồng thời có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng chính sách của các chính phủ.
Imperialism (5)

Tổ chức Phi Chính phủ 

Khái niệm

Tổ chức Phi Chính phủ trong tiếng Anh là Non-governmetal Organizations, viết tắt là NGOs.

Tổ chức Phi Chính phủ là một tổ chức không thuộc về bất cứ chính phủ nào. Mặc dù về mặt thuật, định nghĩa cũng có thể bao hàm các tổ chức phi lợi nhuận, thuật ngữ này thường giới hạn để chỉ các tổ chức xã hội và văn hoá mà mục tiêu chính không phải là thương mại. Một điểm nổi bật nhất của các tổ chức phi chính phủ là việc các tổ chức này tạo ra những hệ thống gắn kết và mạng lưới kết nối những cá nhân xuyên quốc gia.

Cách nhìn nhận truyền thống thường cho rằng các tổ chức phi chính phủ chỉ là một phần nằm bên lề quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, rất khó có thể chấp nhận quan điểm này. Nhiều tổ chức phi chính phủ có tầm ảnh hưởng rất lớn. 

Chúng có một khối lượng thành viên và nguồn tài chính dồi dào, đồng thời có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng chính sách của các chính phủ. Nếu chỉ xem các tổ chức phi chính phủ như là các lực lượng bên lề có thể làm cho chúng ta không hiểu được hết tác động của chúng.

Ảnh hưởng của NGOs trong quan hệ quốc tế

Đã có rất nhiều bài viết về ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ trong quan hệ quốc tế. Tiêu biểu có ba điểm đáng chú ý. 

Thứ nhất, trong khi các tổ chức phi chính phủ là những chủ thể độc lập, nhiều hoạt động của chúng lại có hợp tác mật thiết với các tổ chức liên chính phủ (intergovernmental organizations-IGOs) được thành lập bởi các nhà nước (như Liên Hiệp Quốc, Liên minh Châu Âu hay Ngân hàng Thế giới). 

Nhiều tổ chức phi chính phủ là chuyên gia trong việc cung cấp và phân phát viện trợ nhân đạo hay thu thập và phân tích số liệu, và các hoạt đồng này có thể được tài trợ bởi các tổ chức liên chính phủ. 

Hơn nữa, các tổ chức phi chính phủ thường trung lập về chính trị, vì vậy họ có thể hoạt động ở những nơi có chiến tranh để giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng. Đây là những việc mà các quốc gia bên ngoài không dễ thực hiện được nếu không vi phạm nguyên tắc không can thiệp. 

Thứ hai, một số học giả lập luận rằng các tổ chức phi chính phủ đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh quan hệ quốc tế đến mức mà một xã hội dân sự toàn cầu đã hình thành và đang trỗi dậy. 

Thứ ba, sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ cho thấy tính quan trọng ngày càng gia tăng của quyền lực cá nhân trong quan hệ quốc tế. Điều này xảy ra phần lớn là vì các nhà nước đã thất bại trong việc đáp ứng những nhu cầu xã hội, chính trị, môi trường, và sức khỏe cấp thiết của từng cá nhân.

Thực tiễn

Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hiện diện trên thế giới một cách không đồng đều. Các nước phát triển cao thường là đại diện chính. Trong Thế giới thứ ba, các nước Mỹ Latinh là những nước có khá nhiều các tổ chức phi chính phủ. 

Ngược lại, những nước ít tham gia vào mạng lưới các tổ chức phi chính phủ nhất là những nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây như các nước Đông Âu và một số nước ở Châu Á. 

Phần lớn trụ sở chính của các tổ chức phi chính phủ quốc tế nằm ở các nước phát triển. Dường như sự phát triển cao về chính trị và kinh tế là một điều kiện cần thiết cho sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)