Thuế nhập khẩu (Import Tax) là gì? Mục đích của thuế nhập khẩu
Hình minh họa ( Nguồn: dangkydoanhnghiep.org.vn)
Thuế nhập khẩu (Import Tax)
Khái niệm
Thuế nhập khẩu trong tiếng Anh gọi là Import Tax.
Thuế nhập khẩu là một loại thuế quan đánh vào hàng mậu dịch, phi mậu dịch, khi hàng hóa đi qua khu vực hải quan của một nước. Hoặc được hiểu theo góc độ kinh tế đơn thuần là một khoản tiền mà đối tượng nộp thuế phải nộp cho cơ quan hải quan nước có hàng hóa đi qua khu vực hải quan của nước đó.
Hiện nay, có những nước đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu, có những nước lại quản lý nhập khẩu qua quản lý ngoại tệ, qua các biện pháp phi thuế quan. Mục đích của các công cụ này là cản trở xuất khẩu của các nước khác vào lãnh thổ nước mình để bảo vệ hàng hóa trong nước. Và biện pháp đánh thuế nhập khẩu là biện pháp phổ biến và dễ dàng nhất.
Phương pháp đánh thuế
- Thuế tính theo giá: là loại thuế đánh một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá hàng nhập khẩu.
- Thuế tuyệt đối: là loại thuế quy định mức thuế theo giá trị tuyệt đối tính trên đơn vị hàng hóa nhập khẩu (số lượng, trọng lượng, dung tích).
- Thuế theo mùa: là loại thuế áp dụng mức thuế khác nhau tùy thuộc vào mùa nhập khẩu.
- Hạn ngạch thuế: là chế độ thuế áp dụng mức thuế suất bằng 0% hoặc thấp khi hàng hóa nhập khẩu trong giới hạn số lượng hạn ngạch nhập khẩu quy định, nhưng khi nhập khẩu vượt quá hạn ngạch thì phải chịu mức thuế cao hơn đối với phần vượt đó.
- Thuế lựa chọn: là loại thuế quy định cả hai cách tính theo giá và theo lượng, có thể chọn một trong hai cách tính theo số tiền thuế cao hay thấp.
- Thuế hỗn hợp: là loại thuế vừa áp dụng tính theo số lượng vừa áp dụng tính theo giá trên số hàng nhập khẩu.
- Thuế theo giá tiêu chuẩn (có nước còn gọi là thuế giá chênh lệch): là loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu khi có sự chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá tiêu chuẩn do Nhà nước quy định.
Mục đích của việc đánh thuế nhập khẩu
- Một là, góp phần vào việc phát triển và bảo hộ sản xuất.
- Hai là, hướng dẫn tiêu dùng trong nước.
- Ba là, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách.
- Bốn là, thuế quan là công cụ quan trọng trong đàm phán quốc tế, góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Tác dụng của thuế nhập khẩu
- Thứ nhất, thuế tác động đến phát triển sản xuất và bảo hộ sản xuất nội địa: thuế nhấp khẩu có xu hướng làm tăng giá trên thị trường nội địa, do đó có tác dụng bảo hộ sản xuất và thường được coi là một chính sách để bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ. Tác dụng làm tăng giá trong nước như vậy gọi là "bảo hộ danh nghĩa" của thuế quan.
- Thứ hai, thuế quan góp phần hướng dẫn tiêu dùng trong nước: giả sử người tiêu dùng mua hai sản phẩm là A và B. Trước khi đánh thuế vào sản phẩm A, người tiêu dùng có thể tự liệu phân phối thu nhập của mình sao cho mua được cả hai sản phẩm A và B nhiều nhất. Sau khi đánh thuế vào sản phẩm A thì người tiêu dùng có xu hướng phân bố thu nhập của mình nghiêng về mua được sản phẩm B nhiều hơn. Đó chính là tác động của thuế nhập khẩu tới việc hướng dẫn tiêu dùng trong nước.
- Thứ ba, thuế nhập khẩu góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách: ở Việt Nam, do mở rộng hoạt động ngoại thương, nên nguồn thu từ thuế nhập khẩu cũng tăng lên qua các năm và góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
- Thứ tư, thuế quan là công cụ quan trọng trong đàm phán quốc tế góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại: để tạo cho tự do hóa thương mại, các nước tham gia WTO cũng đã cam kết thuế hóa các biện pháp không mang hình thức thuế và không đưa thêm các hình thức bảo hộ mới ngoài khuôn khổ của General Agreement on Tariff and Trade. Mọi chính sách kinh tế rõ ràng sẽ làm cho thương mại quốc tế không còn cản trở để các doanh nghiệp phải lo lắng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Ngoại thương, NXB Lao động – Xã hội)