|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thức ăn chăn nuôi lao đao theo dịch tả lợn châu Phi

10:59 | 21/04/2019
Chia sẻ
Sản lượng sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp, đại lý thức ăn chăn nuôi ghi nhận sụt giảm mạnh từ 30-50% do dịch tả lợn châu Phi...
Thức ăn chăn nuôi lao đao theo dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Đàn lợn của gia đình chị Lê Thị Vân (Đồng Tháp, Đan Phượng) được nuôi cầm chừng -Ảnh: Đức Hùng

... Nhiều doanh nghiệp lo ngại, khó khăn còn kéo dài ngay cả khi hết dịch bởi người chăn nuôi bán tháo đàn.

Sản lượng tiêu thụ giảm 30-50%

Dù đã nhiều lần “chốt đi chốt lại” thời gian, song cuộc hẹn của PV Báo Giao thông với ông Trần Trọng Quang, Phó TGĐ phụ trách kinh doanh Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi Vina (Vinafeed) vẫn phải lùi giờ do ông Quang kẹt tháo gỡ khó khăn với một số đại lý lớn ở khu vực “tâm bão” dịch tả lợn châu Phi. “Nhìn doanh số đại lý sụt giảm sốt ruột một thì nhìn bà con chăn nuôi phải tiêu hủy chính đàn lợn mình chăm bẵm thấy xót xa mười”, ông Quang chia sẻ.

Ông Quang cho biết, trong tháng 2, lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi (TACN) của Vinafeed tụt giảm khoảng 30% so với tháng 1 (từ mức 16.000 tấn/tháng xuống còn 11.000 tấn). Đây cũng là thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát mạnh. Thị trường chăn nuôi đình trệ hoàn toàn, người chăn nuôi không thể xuất bán lợn. Giá lợn sụt giảm từ mức 50.000 đồng/kg thịt hơi xuống 32.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ.

"Thời gian tới, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có cơ hội quay lại thị trường. Để tồn tại, các trang trại sẽ phải cơ cấu theo hướng trại quy mô lớn. Về phía các doanh nghiệp TACN cũng phải đa dạng hóa sản phẩm (tăng sản lượng cám gà, vịt, thủy sản...) để san sẻ rủi ro. Cùng đó, phải giảm giá, khuyến mại, tăng cường quản lý chi phí để duy trì sức cạnh tranh. Thậm chí, phải xem xét đầu tư các trang trại quy mô để hỗ trợ thị trường".

Phó TGĐ Vinafeed Trần Trọng Quang

Hiện, giá sản phẩm của Vinafeed đã giảm khoản 7-8% so với tháng 1/2019. Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh, mức giá tại tháng 1/2019 cũng đã rất thấp vì tất cả các công ty TACN đã giảm giá tối đa để cạnh tranh sau một thời gian dài 2 năm (cuối 2016-2018) giá lợn rất rẻ, ở mức thua lỗ, 25.000-32.000 đồng/kg thịt hơi.

Điều làm Phó TGĐ Vinafeed lo ngại hơn, hoạt động của các doanh nghiệp TACN tiếp tục “xấu” đi nếu lo ngại về dịch bệnh, thịt lợn nhiễm sán còn kéo dài. Ông Quang phân tích: Sản lượng trong tháng 2 vẫn còn được 50% là do người chăn nuôi không bán tháo được lợn nên bắt buộc phải nuôi tiếp dù phải vay nợ thêm để mua cám duy trì cho ăn. Song nếu kéo dài thì việc phá sản của người chăn nuôi còn nặng nề hơn bởi phải vay nợ nhiều hơn trong khi lợn nuôi đến trên 110kg/con thì chỉ duy trì, ăn cám nhiều tăng trọng chậm và tích mỡ.

“Rất nhiều hộ chăn nuôi bán tháo bằng mọi giá, thậm chí bán cả đàn lợn nái vì lo lắng, thua lỗ rất lớn. Trong trường hợp đó, hiệu ứng domino phá sản hệ thống người chăn nuôi, cung cấp con giống và đại lý phân phối cám còn kéo dài ngay cả khi hết dịch”, ông Quang thở dài nói và cho biết thêm, doanh thu của công ty đã giảm khoảng 35%, lợi nhuận âm vì phải giảm giá sản phẩm để hỗ trợ cám giá rẻ cho người chăn nuôi duy trì, nếu không còn mất cả vốn.

Không riêng Vinafeed, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp TACN khác cũng chung cảnh ảm đạm. Đại diện Tập đoàn Masan cho biết, sản lượng sản xuất, tiêu thụ TACN giảm mạnh, song không thông tin con số cụ thể. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, vừa qua, sản lượng TACN của Masan chỉ khoảng trên 10.000 tấn/tháng, trong khi có thời điểm đạt gần 100.000 tấn/tháng.

Là một trong số ít các doanh nghiệp công bố lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh trong 3 tháng đầu năm (hơn 20 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần cùng kỳ năm 2018), song Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So thừa nhận sản lượng sản xuất và tiêu thụ TACN của Dabaco sụt giảm, kéo lợi nhuận sau thuế mảng này giảm 2,4 tỷ đồng. Và sau 3 tháng, Dabaco mới đạt 5,6% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 là 356,4 tỷ đồng.

Thức ăn chăn nuôi lao đao theo dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 3.

Cảnh hàng chất đống, khách thưa thớt tại đại lý thức ăn chăn nuôi Luân Hương (Ba Vì, Hà Nội)

Nợ tăng, khó đòi

Giá giảm, sản lượng tiêu thụ giảm song nợ nần tăng mạnh là thực trạng các doanh nghiệp TACN phải đối mặt, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, đại lý.

Công ty TNHH Tình Chương (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trước đây mỗi tháng bán ra thị trường 300-400 tấn TACN, nay chỉ còn chừng 20 tấn. Lao động từ 20 người giảm xuống còn 5 người, thu nhập cũng giảm theo. Người chăn nuôi thua lỗ, nợ nần không biết khi nào mới trả.

Doanh số ngành TACN khoảng 6 tỷ USD/năm

►Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện cần khoảng 16-18 triệu tấn TACN/ năm với tổng trị giá khoảng 6 tỉ USD. Đến năm 2020, theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường TACN của Việt Nam có thể sẽ đạt mức 10,55 tỉ USD và cần tới 25-26 triệu tấn TACN.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cả nước hiện có trên 20 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất TACN có vốn đầu tư nước ngoài, song chiếm tới hơn 70% thị phần, đứng đầu là Cargill, CP, Proconco (Pháp)... Gần 180 doanh nghiệp của Việt Nam chiếm gần 30% thị phần còn lại và số thị phần này cũng đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng quy mô của doanh nghiệp ngoại.

►Cập nhật đến 17/4, có thêm một số xã của Nghệ An công bố 30 ngày không phát sinh lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Trước đó (ngày 9/4), Hoà Bình là tỉnh đầu tiên công bố hết dịch tả. Ba ngày sau, Bắc Kạn cũng công bố hết dịch khi ổ dịch ở huyện Ngân Sơn qua 30 ngày không phát hiện lợn bệnh. Như vậy, 21 tỉnh, thành trên cả nước còn ổ dịch tả lợn châu Phi.Cao Sơn

Tương tự, bà Trần Thị Hạnh, đại lý thức ăn chăn nuôi cấp 1 Nguyễn Đăng Nhật (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: Trước khi có dịch, mỗi tháng đại lý bán ra khoảng 100 tấn, có tháng cao điểm 120 tấn, nay chỉ còn 50-60 tấn. Phần lớn các hộ chăn nuôi mua chịu đến khi bán đàn mới trả. Sau mấy “cuộc bể dâu” do bão giá, dịch bệnh, nhiều hộ nuôi thua lỗ còn không trả nổi nổi gốc. Nhẩm tính số tiền hộ chăn nuôi nợ hiện nay hơn 1 tỷ đồng, chiếm 30% số vốn bỏ ra, bà Hạnh cảm thấy còn “may mắn” so với các đại lý khác với khoản nợ 5-6 tỷ đồng không đòi được đành đóng cửa hoặc giảm quy mô kinh doanh.

Bà Hạnh cũng chia sẻ: Lợi nhuận kinh doanh cám thấp, bỏ vốn ra 3-4 trăm nghìn đồng một bao nhưng lãi chỉ 2-10 nghìn đồng/bao. Chi phí trả công nhân cao, chỉ riêng vận chuyển mất 5-6 trăm nghìn đồng cho 1.000 bao cám. “Đấy là chưa nói đến tiền trả lãi ngân hàng 0,8%/tháng. Nợ cũ chưa trả hết, đợt dịch vừa rồi tôi lại phải ra vay thêm 100-200 triệu đồng để duy trì hoạt động”, bà Hạnh than.

Ông Quân, quản lý đại lý thức ăn chăn nuôi Luân Hương (Ba Vì, Hà Nội) cũng chia sẻ tình cảnh tương tự khi doanh thu giảm từ 200 triệu đồng xuống còn 150-160 triệu đồng/tháng. Đại lý của ông chủ yếu bán nợ, xoay vòng 4-6 tháng mới thanh toán. Ông Quân tính toán, hiện người nuôi đang chịu lỗ 1-1,2 triệu đồng/con, nợ khó đòi của Luân Hương còn khoảng 4 tỷ đồng.

Chị Lê Thị Vân, hộ chăn nuôi tại Đồng Tháp (Đan Phượng, Hà Nội) giãi bày, trước đây nuôi 20 con lợn lái, nhưng dịch bệnh xảy ra triền miên nên đành phải bán, giờ còn 3 đầu lợn lái và 2 đàn lợn thịt, 1 đàn lợn con. Giá cám tăng, giá lợn rẻ không bán được, chỉ dám cho ăn cầm chừng, cỡ 1-1,5kg cám/con/ngày mà vẫn nợ đại lý cám hơn 100 triệu đồng.

Chia sẻ với doanh nghiệp, người nuôi, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hội Thức ăn chăn nuôi cho biết: Các doanh nghiệp sản xuất TACN suy giảm sản lượng ít nhất 30%. Ngoài nguyên nhân người chăn nuôi lo, sợ bán tháo thì còn nguyên nhân nữa là chưa xác định được cơ chế lây lan từ đâu qua đâu, lây qua đường nào. Do vậy, xuất hiện cả mối lo lây lan qua thức ăn, đặc biệt là bột thịt. Các công ty sản xuất thức ăn chưa hẳn cấm sử dụng nhưng nhiều người đề phòng không nhập hàng nữa. “Nói chung ảnh hưởng một chuỗi từ người bán nguyên liệu, người sản xuất, người chăn nuôi”, ông Bình nói.

Đức Hùng - Thảo Nguyên