|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thị trường chứng khoán (Stock Market) là gì? Chức năng và phân loại

17:24 | 16/08/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán (tiếng Anh: Stock Market) là thị trường mua bán, trao đổi các loại chứng khoán. Thị trường này có chức năng và cách phân loại cần biết.

chung_khoan-1

Hình minh họa (Nguồn: Tapchitaichinh)

Thị trường chứng khoán

Khái niệm

Thị trường chứng khoán trong tiếng Anh gọi là Stock Market.

Thị trường chứng khoán là thị trường mua bán, trao đổi các loại chứng khoán giữa các chủ thể tham gia. 

Các chứng khoán dài hạn là các công cụ có thời gian đáo hạn ngay từ khi phát hành dài hơn 1 năm.

Xét về mặt bản chất thì thị trường chứng khoán chính là một định chế tài chính trực tiếp, nơi tập trung và phân phối các nguồn vốn tiết kiệm hoặc tạm thời nhàn rỗi, nơi giao dịch các công cụ tài chính của thị trường vốn.

Đặc điểm

- Đây là phương thức cung cấp và huy động vốn trực tiếp người có vốn nhàn rỗi và người có nhu cầu vốn trực tiếp tham gia thị trường mà không thông qua trung gian tài chính như ngân hàng.

- Là thị trường gần với thị trường cạnh tranh hoàn hảo với sự tham gia của nhiều người mua và bán; giá hình thành trên cơ sở quan hệ cung - cầu.

- Là thị trường vừa gắn với hình thức tài chính dài hạn, vừa gắn với hình thức tài chính ngắn hạn.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán là thị trường liên tục khi các chứng khoản thường xuyên được mua bán nhiều lần trên thị trường thứ cấp sau khi đã được phát hành trên thị trường sơ cấp.

Chức năng của thị trường chứng khoán

Kênh huy động và phân bổ nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh

Đây là chức năng quan trọng nhất của thị trường chứng khoán. Thực hiện chức năng kinh tế cơ bản là đưa các nguồn vốn từ các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ có nguồn vốn dư thừa khi chi tiêu ít hơn thu nhập của họ sang những chủ thể thiếu vốn khi họ muốn chi tiêu nhiều hơn thu nhập họ có.

Do vậy, về bản chất,  thị trường chứng khoán nếu vận hành tốt sẽ nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế.

Thêm vào đó,  thị trường chứng khoán vận hành một cách lành mạnh và an toàn là một nhân tố quan trọng để bảo đảm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng thông qua nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.

Công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô

Thị trường chứng khoán là một kênh quan trọng qua đó Chính phủ thực thi các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tài chính - tiền tệ để ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát. Một thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh sẽ tạo điều kiện giảm thiểu vấn đề về sai lệch kép, trong đó các thị trường trái phiếu và công cụ phái sinh đóng vai trò rất quan trọng.

Cung cấp khả năng thanh khoản cho các chứng khoán

Thị trường chứng khoán giúp cho các chủ thể tham gia có thể mua bán chứng khoán một cách thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng với chi phí giao dịch thấp.

Tính thanh khoản do thị trường chứng khoán mang lại sẽ giúp cho dòng vốn được luân chuyển nhanh và trở thành một kênh huy động vốn và đầu tư hiệu quả.

Nguyên tắc hoạt động

- Nguyên tắc trung gian

- Nguyên tắc công khai thông tin

- Nguyên tắc đấu giá

Phân loại thị trường chứng khoán

Căn cứ vào tính chất luân chuyển vốn

Thị trường sơ cấp: Là thị trường lần đầu tiên chứng khoán được chào bán và huy động vốn mới cho tổ chức phát hành. Do đó, đây là thị trường mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ chức phát hành chứng khoán. Việc phát hành chứng khoán sẽ phải tuân thủ theo các quy định của luật chứng khoán,.

Thị trường sơ cấp có thể được phân loại thành thị trường chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ.

Thị trường thứ cấp (còn gọi là thị trường cấp II hay thị trường luân chuyển chứng khoán). Đây là thị trường giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. 

Căn cứ vào phương thức giao dịch

Có 2 cấu trúc thi thị trường để thực hiện giao dịch bao gồm:

- Thị trường xác định giá theo lệnh (order driven).

Thị trường xác định giá theo giá yết (quote driven).

Căn cứ theo hình thức tổ chức

Thị trường thứ cấp cũng có thể được phân loại thành:

- Thị trường tổ chức (sở giao dịch chứng khoán).

- Thị trường phi tập trung (OTC).

Các Sở giao dịch chứng khoán là các địa điểm giao dịch tập trung, tại đó các công cụ tài chính được giao dịch. Các công cụ tài chính giao dịch phải là những công cụ được niêm yết bởi Sở giao dịch chứng khoán. 

Trong khi đó, nhìn chung thị trường OTC là thị trường giao dịch các công cụ tài chính không niêm yết (unlisted), ví dụ như đối với cổ phiếu, có cả các cổ phiếu được niêm yết và không niêm yết. 

Căn cứ theo thời gian thanh toán

- Thị trường giao ngay: Là thị trường thực hiện giao dịch mua và bán công cụ tài chính ngay khi giao dịch.

- Thị trường phái sinh: Các công cụ phái sinh bao gồm các hợp đồng tương lai, kì hạn, quyền chọn, swap...

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường chứng khoán, Học viện Ngân hàng, NXB Thời Đại).

Thanh Hoa