|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thêm cửa sáng cho nền kinh tế Mỹ: Bộ trưởng Tài chính và hai nhân vật tiếng tăm cùng phát tín hiệu tích cực

22:56 | 20/07/2023
Chia sẻ
Không chỉ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mà ngày càng có nhiều chuyên gia và quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ tin tưởng Fed sẽ hạ cánh mềm nền kinh tế.

Không nóng cũng chẳng lạnh

“Không quá nóng, cũng chẳng quá lạnh” là cách giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton nhìn nhận nền kinh tế Mỹ sau dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến của tháng 6.

“Đó là một nền kinh tế lý tưởng - tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát giảm nhiệt”, vị giáo sư chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC mới đây.

Theo ông, các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ tháng 3 năm ngoái dường như đang phát huy tác dụng chế ngự lạm phát.

Theo tờ Fortune, giáo sư Siegel đưa ra triển vọng tích cực như vậy sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một thước đo lạm phát quan trọng - chỉ tăng 3% so với cùng kỳ vào tháng 6.

Con số trên thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 40 năm ghi nhận vào tháng 9 năm ngoái là 9,1%. Nếu không tính giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tăng 4,8% so với một năm trước.

 

Và trong khi nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo suốt năm 2023 rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed cuối cùng sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái, ông Siegel lại không tin vào điều đó. “Fed có thể hạ cánh mềm, trái với tất cả cảnh báo”, ông nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, tăng trưởng GDP quý I của Mỹ đã điều chỉnh lên 2% vào cuối tháng trước và công cụ theo dõi GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta hiện dự đoán tăng trưởng quý II là 2,3%. Như vậy, Mỹ khó có thể rơi vào suy thoái.

Ông Siegel gần đây cũng lưu ý rằng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn bền bỉ một cách đáng kinh ngạc nhờ những người mua sắm “YOLO” (trào lưu “bạn chỉ sống một lần trong đời”).

Trong một bài luận trên nền tảng WisdomTree, ông giải thích rằng những người tiêu dùng này “không bị ảnh hưởng mấy khi chi phí đi vay tăng cao hơn”.

Giáo sư Siegel cho rằng sức mạnh bền bỉ của người tiêu dùng có thể giữ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng, bởi chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 70% GDP của Mỹ.

Bất chấp những tin tức tích cực gần đây về lạm phát và tăng trưởng, ông Siegel nói các quan chức Fed có thể đã đồng thuận tăng lãi suất vào cuối tháng 7.

Sau đó, ông dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ “phụ thuộc vào dữ liệu” khi quyết định có nên tăng lãi suất tại cuộc họp kế tiếp vào tháng 9 hay không. Điều này đồng nghĩa rằng dữ liệu CPI và GDP quý II sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Song, vị giáo sư Trường Wharton cho rằng nếu ông là Chủ tịch Fed, ông sẽ không tăng lãi suất thêm nữa, bởi lạm phát đã bị đánh bại.

 

Không phải người duy nhất

Ông Siegel không phải người duy nhất đưa ra triển vọng ngày càng tích cực cho nền kinh tế Mỹ, Fortune lưu ý. Một số ngân hàng đầu tư và CEO doanh nghiệp đã cân nhắc lại các dự báo về suy thoái kinh tế.

CEO của gã khổng lồ ngành quản lý tài sản BlackRock là ông Larry Fink cho biết Mỹ đang ở một “vị thế tốt đáng kinh ngạc” so với phần còn lại của thế giới.

Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và kích thích tài khoá từ Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở Hạ tầng, Đạo luật CHIPS và Khoa học, cùng Đạo luật Giảm Lạm phát đi vào nền kinh tế, ông Fink tin tăng trưởng “sẽ tăng tốc” từ đây.

Trong một cuộc trao đổi mới đây với tờ Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng phát đi những thông điệp lạc quan.

Theo vị bộ trưởng, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây tác động lan toả trên toàn cầu, nhưng bà không dự đoán Mỹ sẽ suy thoái.

“Nhiều quốc gia phụ thuộc vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng của chính họ, đặc biệt là các nền kinh tế châu Á. Và tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại có thể gây một số tác động tiêu cực tới Mỹ”, bà nói.

Song, tại Mỹ, “dù tăng trưởng đã chững lại, thị trường lao động vẫn tiếp tục giữ được sức mạnh, vì vậy tôi không nghĩ Mỹ sẽ suy thoái”, bà Yellen nhấn mạnh với Bloomberg.

 

Bà lưu ý rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới “đang đi đúng hướng” là hạ gục lạm phát mà không làm suy yếu nghiêm trọng thị trường lao động. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, dữ liệu CPI tháng 6 là “rất đáng khích lệ”.

“Thị trường việc làm rất mạnh mẽ, nhiều người lao động ở độ tuổi vàng đã quay trở lại lực lượng lao động, qua đó giảm bớt sức nóng của thị trường. Tiền lương đang tăng trưởng ở mức vừa phải và lạm phát đang giảm dần”, bà kết luận.

Khả Nhân