|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel: Fed không cần tăng thêm lãi suất

20:46 | 16/07/2023
Chia sẻ
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Christopher Pissarides tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cần phải tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới.

Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Christopher Pissarides. (Ảnh: Redux).

Chia sẻ với CNBC, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Christopher Pissarides cho rằng Fed không cần phải tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới. Ông khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách nên “nghỉ xả hơi”.

“Cần có thời gian để chính sách tiền tệ phát huy hết tác dụng. Vì vậy, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt như dự đoán và lãi suất đã tăng cao, tôi sẽ chờ xem chuyện gì xảy ra tiếp theo”, ông Pissarides, giáo sư tại Trường Kinh tế London, bày tỏ.

“Tôi chưa thấy bất kỳ yếu tố nào có thể buộc Fed phải tăng lãi suất nhiều hơn, nên lần này tôi chắc chắn sẽ chờ đợi”, ông nhấn mạnh với CNBC.

Cùng với hai đồng nghiệp người Mỹ, ông Pissarides đã được trao giải Nobel về kinh tế vào năm 2010 cho công trình nghiên cứu về thị trường lao động.

Vị chuyên gia đưa ra bình luận ngay sau khi báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới đã tụt xuống còn 3% vào tháng 6, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua.

Bản báo cáo dường như cho thấy Fed đã tương đối thành công trong việc kiềm chế áp lực giá. Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp và chỉ tạm dừng tại cuộc họp tháng 6.

Dù vậy, các quan chức vẫn báo hiệu Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) trong giai đoạn từ nay cho đến cuối năm 2023. Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ hiện đang nằm trong phạm vi 5 - 5,25%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần củng cố thông điệp trên. Phát biểu tại một diễn đàn vào cuối tháng 6, ông kỳ vọng Fed sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất trong thời gian tới, có thể với tốc độ khá nhanh.

Giáo sư Pissarides nói: “Lạm phát đang đi xuống, thị trường lao động không thắt chặt như trước, hoặc ít nhất là không thắt chặt hơn nữa, vì vậy tôi không nghĩ áp lực lạm phát sẽ đến từ thị trường việc làm.

Nhìn chung, tôi không thấy Mỹ cần tăng thêm lãi suất...châu Âu là một câu chuyện khác, nhưng Mỹ chắc chắn là không cần tăng thêm”.

 

Ông Pissarides thừa nhận rằng góc nhìn của mình trái ngược với nhận định của một số nhà kinh tế và nhà đầu tư. Song, ông khẳng định: “Đó là điều tôi sẽ làm nếu là Fed”.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 bps vào cuộc họp cuối tháng 7, xác suất là hơn 92%. Sau đó, vào đầu năm tới, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu giảm lãi suất.

Trong cuộc phỏng vấn, CNBC đã hỏi ông Pissarides rằng có phải Fed muốn tiếp tục tăng lãi suất để nhanh chóng đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% hay không. Ông đáp: “Có thể, nhưng bạn thấy đấy, chúng ta cần kiên nhẫn hơn”.

Vị chuyên gia kinh tế lưu ý rằng việc lạm phát duy trì ở mức 3% - thay vì mục tiêu 2% của Fed - có thể không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Mỹ. Ông nói giữa hai tỷ lệ lạm phát này “không khác biệt quá lớn”.

“Tốt hơn là chúng ta nên kiên nhẫn. Doanh nghiệp sẽ phản ứng tích cực hơn nếu họ nghĩ cuối cùng Fed cũng xong việc, rồi họ sẽ tiếp tục theo đuổi các kế hoạch đầu tư dài hạn.

Doanh nghiệp có thể tin rằng Mỹ sẽ hạ cánh mềm và sẽ có chút chậm trễ để lạm phát quay về mức 25 vì chặng cuối bao giờ cũng khó khăn hơn. Nhưng họ sẽ thấy chúng ta đã đứng vững và nền kinh tế đang vận hành tốt”, ông bày tỏ.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.