|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đằng sau sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư ngày càng tin Fed sẽ 'hạ cánh mềm'

06:45 | 17/07/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đã bật tăng mạnh mẽ trong tuần qua cũng như kể từ đầu năm. Nhà đầu tư dường như đang ngày càng tin tưởng Fed sẽ làm nên chuyện: vừa khống chế được lạm phát vừa giữ vững quỹ đạo của nền kinh tế.

 

Trader trên sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

Hơn bao giờ hết, Phố Wall đang tin chắc rằng lạm phát đã hạ nhiệt.

Niềm tin đó đã nhen nhóm hy vọng trong các nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện được điều mà trước đây dường như là không thể: kiềm chế áp lực giá mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Các dữ liệu được công bố vào cuối tuần trước là rất đáng chú ý.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ đi lên 3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng nhỏ nhất trong hơn hai năm. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 thì tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 8/2020.

 

Loạt báo cáo mới sẽ giúp xoa dịu một trong những nỗi sợ lớn nhất của nhà đầu tư trong hơn một năm qua, tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định.

Kể từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã tăng mạnh lãi suất để ghìm cương lạm phát. Nhiều chuyên gia lo sợ các động thái của Fed sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.

Chính sách tiền tệ thắt chặt thường kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng cũng như gây hại cho hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp, mà cả hai đều là những chỉ báo cho thấy nền kinh tế sẽ sa sút.

Các nhà hoạch định chính sách càng mất nhiều thời gian để đưa lạm phát quay trở lại mức trước đại dịch, thì càng có nhiều khả năng xảy ra suy thoái tại Mỹ.

Tuy nhiên, nếu lạm phát hạ nhiệt đủ nhanh, các nhà đầu tư tin rằng Fed có thể kết thúc chiến dịch thắt chặt mà vẫn giữ nguyên đà mở rộng của nền kinh tế.

Đó chính xác là những gì thị trường đang nhìn nhận ngay lúc này, WSJ nhấn mạnh.

Chỉ số S&P 500 đã đi lên 2,4% trong tuần qua, mức tăng lớn nhất trong một tháng. Tính từ đầu năm đến giờ, S&P 500 đã tăng 17%, trong khi Nasdaq Composite nhảy vọt 35%.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, thường được dùng để thiết lập lãi suất thế chấp nhà ở và nợ vay sinh viên, kết thúc tuần trước ở mức 3,818%. Đây là mức giảm lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 3.

 

Ông Brag Conger, Phó Giám đốc đầu tư tại hãng tư vấn Hirtle Callaghan, cho hay: “Tất cả chúng tôi đều nghĩ một cơn bão sẽ đến, nhưng nó vẫn chưa đến”.

Tuần này, các nhà đầu tư sẽ nhận được một loạt dữ liệu mới về doanh số bán nhà hiện có, cũng như báo cáo lợi nhuận từ nhiều doanh nghiệp lớn như Morgan Stanley, United Airlines và Tesla.

Không thể phủ nhận rằng một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ đã chậm lại. Chẳng hạn, thị trường nhà đất đã hạ nhiệt.

Giá trung bình của những ngôi nhà đang rao bán trên toàn quốc đã giảm 3,1% so với một năm trước vào tháng 5. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2011, theo Hiệp hội Môi giới Nhà đất Quốc gia Mỹ.

Ngành sản xuất cũng đã yếu đi. Vào đầu tháng 7, dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng cho thấy hoạt động trong lĩnh vực này đã thu hẹp tháng thứ 8 liên tiếp vào tháng 6.

Song, trên thực tế, nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn ổn định. Tuần trước, các ngân hàng lớn nhất tại Mỹ đã công bố doanh thu tốt hơn mong đợi, nhờ người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn tiếp tục chi tiêu cũng như vay tiền trong quý II.

Tin tức kinh tế khả quan đã giúp cho thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên. Ông Conger nói: “Lợi nhuận doanh nghiệp ổn định và lạm phát không còn là vấn đề nữa. Khi bạn đặt hai thứ đó cạnh nhau, thị trường sẽ tăng điểm”.

Theo giới phân tích, nếu Fed chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa như dự đoán của các nhà đầu tư và nền kinh tế tiếp tục đứng vững, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa để tăng điểm.

 

Rủi ro ở đâu?

Dù vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể đi chệch hướng. Ông Rhys Williams, chiến lược gia trưởng tại Spouting Rock Asset Management, cho biết rủi ro hàng đầu là nếu Fed thấy lạm phát chưa giảm đủ để ngừng thắt chặt chính sách, và sau đó gây ngạc nhiên cho nhà đầu tư bằng cách tiếp tục tăng lãi suất sau tháng 7.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 3,8% so với một năm trước vào tháng 5. Đây là tốc độ chậm nhất trong hai năm nhưng vẫn cao hơn nhiều mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.

Một rủi ro khác là động lực kinh tế chững lại. Một số chỉ báo, chẳng hạn như đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc và một công cụ dự báo của The Conference Board, đã ở mức báo hiệu suy thoái trong nhiều tháng qua.

Ông Jason Ware, Giám đốc đầu tư của Albion Financial Group, cho hay: “Chúng tôi vẫn nghĩ suy thoái sẽ đến”. Theo vị giám đốc, suy thoái sẽ gây tổn hại cho lợi nhuận doanh nghiệp, khiến giá cổ phiếu tụt dốc lần nữa.

Nỗi lo hàng đầu của một số nhà đầu tư là thị trường hiện không còn lý do để tiếp tục đi lên nữa.

Ông Conger cho biết, ở thời điểm này, có vẻ giá cổ phiếu đã phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào những tin tốt, như lạm phát không còn là vấn đề đáng ngại và nền kinh tế vẫn tăng trưởng bền bỉ.

“Thật khó để biết động lực gì sẽ giúp thị trường bật tăng hơn nữa”, ông bày tỏ với WSJ.

 

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.