|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

10 lý do khiến các chuyên gia chờ mỏi mắt mà Mỹ vẫn chưa suy thoái

10:28 | 20/07/2023
Chia sẻ
Trong suốt nhiều tháng qua, giới doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đã chuẩn bị tinh thần cho cảnh Mỹ rơi vào suy thoái. Các nhà kinh tế của ngân hàng UBS đã đưa ra những bằng chứng cho thấy giới chuyên gia Phố Wall đã đánh giá quá thấp sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Theo tờ Markets Insider, kể từ cuối năm 2022, một loạt nhân vật tiếng tăm của Phố Wall đã dự báo suy thoái sẽ ập đến nước Mỹ trong năm nay.

Nhưng hơn 6 tháng đã trôi qua kể từ khi năm 2023 bắt đầu và nước Mỹ vẫn tăng trưởng đều đặn. Các dữ liệu kinh tế khác cũng vẽ ra bức tranh khá tươi sáng: lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng, thị trường lao động vững vàng, tỷ lệ thất nghiệp xuống đáy và thị trường chứng khoán thăng hoa.

 

Các nhà kinh tế tại gã khổng lồ ngành ngân hàng Thụy Sỹ là UBS đã tổng hợp 10 lý do giải thích vì sao suy thoái kinh tế không xuất hiện.

Dựa trên các yếu tố như tiêu dùng, sản lượng và tình trạng thất nghiệp, những tiêu chí mà Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ sử dụng để xác định suy thoái, UBS đã chỉ ra bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ bền bỉ hơn nhiều suy nghĩ của các chuyên gia.

1. Chính sách tiền tệ chưa bị thắt chặt quá mức

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản (bps) trong 5 quý vừa qua. Tuy nhiên, chi phí vay sau khi điều chỉnh cho lạm phát vẫn rất thấp. Lợi suất của trái phiếu chính phủ phòng ngừa lạm phát hiện nay chỉ là 1,52%.

Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed – vốn có mối tương quan chặt chẽ với lượng tiền mà ngân hàng trung ương Mỹ đổ ra nền kinh tế - vẫn lớn hơn 80% so với thời trước đại dịch. Điều này cho thấy các điều kiện tiền tệ vẫn chưa thực sự bị thắt chặt, khi xét theo các tiêu chuẩn lịch sử.

Báo cáo của UBS chỉ ra: “Các điều kiện tài chính đã được nới lỏng hơn trong năm 2023. Cung tiền và bảng cân đối kế toán của Fed, khi so với các xu hướng trước đại dịch, vẫn mang tính hỗ trợ cho nền kinh tế”.

Số liệu đến ngày 28/6/2023.

2. Chi tiêu của chính phủ tăng trở lại

Chi tiêu của chính phủ Mỹ tiếp tục đi lên sau khi chững lại trong năm 2022, làm tăng lượng tiền có sẵn trong hệ thống tài chính và giúp hỗ trợ cho nền kinh tế.

Đạo luật Giảm thiểu Lạm phát được ban hành trong năm 2022 cũng góp phần kích thích đầu tư, đặc biệt là trong ngành sản xuất.

3. Tiền tiết kiệm giúp thúc đẩy tiêu dùng

Các khoản tiền tiết kiệm được tích lũy trong thời đại dịch giúp các hộ gia đình chống chọi với sự gia tăng của chi phí sống, hỗ trợ cho hoạt động tiêu dùng tại Mỹ. Giá các tài sản tài chính đi lên cũng làm tăng tổng tài sản của các cá nhân.

Mặt khác, phần lớn các khoản nợ vay thế chấp nhà ở vẫn được giữ ở mức lãi suất cố định, nhờ đó những người đi vay được bảo vệ khỏi tác động của các đợt tăng lãi suất mà Fed tung ra.

4. Khối nợ không quá cao

Lưu ý của UBS viết: “Mức nợ của người tiêu dùng và tỷ lệ nợ quá hạn vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008. Khối nợ của các hộ gia đình có vẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nợ quá hạn thẻ tín dụng đang tăng lên, nhưng vẫn gần với mức thấp trong lịch sử”.

Các doanh nghiệp không ở trong tình trạng đầu tư quá mức và lạm phát cao đã giúp làm giảm giá trị thực của các khoản nợ. 

 

5. Các điều kiện tín dụng chưa bị siết chặt

Cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi đầu năm nay đã thúc đẩy một số nhà băng giảm cho vay, nhưng các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn vẫn chưa gặp phải quá nhiều khó khăn.

Theo UBS, chênh lệch giữa lợi suất của trái phiếu trả lãi cao và trái phiếu hạng đầu tư hiện nay đã thấp hơn so với hồi đầu năm.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp đã dễ dàng tiếp cận với thị trường nợ hơn so với 12 tháng trước. Lượng phát hành trái phiếu lãi suất cao cũng đang trên đà tăng.

Số liệu đến ngày 28/6/2023.

6. Thị trường lao động vẫn vững mạnh

Các chủ lao động Mỹ vẫn đang tuyển thêm nhân viên. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã xuống dưới mức trung bình trong thời trước đại dịch.

UBS lưu ý: “Chi phí tiền lương của doanh nghiệp đang dần bắt kịp với xu hướng trước đại dịch. Tỷ lệ người có việc làm trong nền kinh tế đã gần bằng ngưỡng trước COVID-19”.

7. Xu hướng của dữ liệu kinh tế đang ổn định lại

COVID-19 đã phá vỡ tính chu kỳ trong các dữ liệu kinh tế, nhưng chúng đang bình thường trở lại. Và rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã ổn định hơn trước.

Số liệu đến ngày 28/6/2023.

UBS chỉ ra: “Chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ đang quay trở lại mức bình thường. Biến động của tốc độ tăng trưởng việc làm cũng đã trở về các mức thường thấy trước đại dịch. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang nới lỏng, dù quá trình này vẫn chưa hoàn tất”.

8. Các ngành không sa sút đồng thời

Các bộ phận của nền kinh tế Mỹ đã bị sa sút tại những thời điểm khác nhau. Theo UBS, điều này có thể đã giúp nền kinh tế tránh được một cuộc suy thoái toàn diện. Ngành sản xuất và bất động sản của Mỹ đều xuống dốc hồi đầu năm 2022, nhưng giờ có lẽ cả hai đang ở trong giai đoạn hồi phục.

9. Dịch vụ tăng trưởng vững chắc

Lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã phải trải qua giai đoạn sa sút, nhưng tin tốt là tỷ trọng của ngành sản xuất trong nền kinh tế không còn lớn như trước. Và cùng lúc đó, dịch vụ vẫn tăng trưởng đều đặn.

UBS cho biết: "Chi tiêu cho dịch vụ hồi phục chậm hơn sản xuất, nhưng vẫn đang tăng trưởng và dịch vụ giờ chiếm tỷ trọng cao hơn hẳn trong nền kinh tế. Tỷ trọng của ngành sản xuất trong khu vực kinh tế tư nhân đang tiếp tục suy giảm". 

10. Nền kinh tế Mỹ bớt lệ thuộc vào chu kỳ

Theo đánh giá của UBS, cấu trúc của nền kinh tế Mỹ đã thay đổi và Mỹ đã cứng cỏi hơn trước những thăng trầm mang tính chu kỳ.

Số liệu đến ngày 28/6/2023. 

UBS giải thích rõ hơn: “Mỹ hiện giờ là nền kinh tế dịch vụ dựa trên tri thức, do đó Mỹ không còn nhạy cảm với chu kỳ hàng tồn kho và chi phí năng lượng nhiều như trong quá khứ. Kết quả là hoạt động kinh tế ít biến động hơn và giai đoạn mở rộng của nền kinh tế cũng có thể kéo dài hơn trước”.

Giang

Năm 2025: Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, GRDP các địa phương bình quân tăng 8 - 10%
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá để đề xuất, xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.