|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể phình to vì gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden

09:12 | 12/04/2021
Chia sẻ
Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden sẽ càng kích thích các công ty Mỹ mua thêm hàng nhập khẩu của Trung Quốc và qua đó có thể nới rộng thâm hụt thương mại của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể phình to vì gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden - Ảnh 1.

Tổng thống Biden ký thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD vào ngày 11/3. (Ảnh: EPA).

Ông Derek Scissors, Kinh tế trưởng tại nền tảng thu thập dữ liệu thương mại China Beige Book International, dự đoán gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden có thể dẫn đến Mỹ sẽ nhập khẩu thêm khoảng 30 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm nay.

Nếu chính quyền Washington chi tiêu toàn bộ 1.900 tỷ USD thay vì dè sẻn, Societe Generale ước tính Mỹ có thể mua thêm đến 40 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thậm chí dù Trung Quốc vẫn tăng cường mua hàng hóa của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký với chính quyền cựu Tổng thống Trump, cán cân thương mại của Mỹ vẫn sẽ bị lệch.

Rủi ro là, trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ - Trung vốn đã chạm đáy của nhiều thập kỷ, thâm hụt thương mại gia tăng nhanh chóng sẽ gây thêm nhiều xích mích, đặc biệt là nếu Trung Quốc không hoàn thành các mục tiêu mua hàng đã đề ra trong thỏa thuận thương mại, SCMP cảnh báo.

"Trong kịch bản nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhờ gói cứu trợ, chẳng hạn như nếu GDP danh nghĩa tăng 9% thì thâm hụt hàng hóa song phương sẽ vượt qua mốc 500 tỷ USD và thổi bùng căng thẳng chính trị giữa hai siêu cường", ông Scissors nhấn mạnh.

Chính quyền Tổng thống Biden từng chỉ trích thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc dưới thời ông Trump là một sai lầm chiến lược. Năm ngoái, thâm hụt thương mại đã tăng 7% lên 317 tỷ USD.

Dù vậy, chính quyền ông Biden cũng rất hiếm khi công khai bình luận về điểm này. Thay vào đó, Washington dưới thời vị tổng thống của Đảng Dân chủ thường nhấn mạnh vào việc xây dựng liên minh với các quốc gia phương Tây để kiềm chế hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này của ông Biden chưa đạt nhiều tiến triển vì chính phủ mới còn đang ưu tiên khống chế đại dịch COVID-19 và một số vấn đề trong nước khác.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đang khá nhộn nhịp. Nhờ nhu cầu tăng mạnh và mặt bằng số liệu năm ngoái khá thấp, số lô hàng xuất đi từ Trung Quốc đã tăng 60,6% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Rabobank ước tính thặng dư thương mại của Trung Quốc với thế giới trong năm nay sẽ tăng gần 8% lên 576 tỷ USD, trong khi HSBC Holdings dự đoán con số này sẽ đạt mức kỷ lục 630 tỷ USD, lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Thái Lan.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể phình to vì gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden - Ảnh 2.

Ông David Dollar, Thành viên cao cấp tại Viện Brookings ở thủ đô Washington và từng là Giám đốc World Bank chi nhánh Trung Quốc, lý giải: "Chính sách của Mỹ đang nâng lãi suất, tỷ giá hối đoái và thâm hụt thương mại. Chúng ta cần phải nhận ra đây là tác dụng phụ khi tung ra một gói kích thích lớn".

Song, cán cân thương mại Mỹ - Trung sẽ đạt bao nhiêu trong năm nay cũng phụ thuộc vào các yếu tố như giá dầu thô (chiếm khoảng 10% nhập khẩu của Trung Quốc) và Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại với Mỹ đến đâu, nhà kinh tế Michelle Lam của Societe Generale (Hong Kong) lưu ý.

Trong thương chiến, ông Trump đã áp thuế lên khoảng 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng thuế quan riêng lên khoảng 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Để tạm dừng tranh chấp, hai nước đi đến ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Trung Quốc buộc phải mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với mốc của năm 2017.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, vào năm ngoái, Trung Quốc chỉ mới hoàn thành gần 60% mục tiêu mua hàng, đại dịch COVID-19 chỉ là một phần nguyên nhân. Trong hai tháng đầu năm nay, tốc độ mua hàng của Trung Quốc vẫn không cải thiện nhiều.

Tân Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai từng nói bà sẽ duy trì và củng cố thỏa thuận thương mại của ông Trump. "Bất kỳ nhà đàm phán giỏi nào cũng sẽ bảo vệ đòn bẩy của họ", bà Tai chia sẻ với Wall Street Journal hồi tháng trước, đồng thời nói thêm rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Thỏa thuận giai đoạn một yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc 6 tháng một lần để đánh giá việc thực thi thỏa thuận. Tuy nhiên, cuộc họp tiếp theo đã quá hạn gần hai tháng và không có dấu hiệu nào cho thấy hai nước đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán mới.

Ông Michael Every của Rabobank chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương tại Hong Kong dự đoán: "Mỹ - Trung có thể điều chỉnh thỏa thuận trong năm nay, hoặc thậm chí từ bỏ thỏa thuận nếu căng thẳng thực sự bùng nổ".

Dù vậy, ông David Loevinger - cựu nhà phân tích của Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đã chạm đáy nên khó có khả năng xung đột thêm chỉ vì thâm hụt thương mại tăng. Ông Loevinger dự đoán chính quyền ông Biden sẽ tập trung hơn vào các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, và đặc biệt là các rào cản mà Bắc Kinh áp đặt với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Khả Nhân

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.