|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc chiến nảy lửa của Trung Quốc với dòng tiền nóng ngày càng khốc liệt

17:58 | 08/04/2021
Chia sẻ
Dòng vốn khổng lồ đổ vào Trung Quốc trong năm 2020 có nguy cơ trở thành dòng tiền ra nếu không được kiểm soát. Các quan chức Trung Quốc đang ngày càng lo ngại và lên tiếng nhiều hơn về sự nguy hiểm của tiền nóng.
Cuộc chiến nảy lửa của Trung Quốc với tiền nóng ngày càng khốc liệt - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: EPA).

Năm 2020, nỗ lực thu hút vốn ngoại của Trung Quốc gặt hái được thành công. Nhà đầu tư từ New York đến London tranh giành mua cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, củng cố vị thế của Bắc Kinh trên sân khấu toàn cầu.

Trước sự sụp đổ của kinh tế toàn cầu và kích thích chưa từng có từ các ngân hàng trung ương, sức chống chịu của Trung Quốc trước COVID-19 và các tài sản lợi suất cao của nước này có vẻ rất hấp dẫn. 

Kết quả là trong năm 2020, lượng cổ phiếu Trung Quốc do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tăng 62% lên 3.400 tỷ nhân dân tệ (520 tỷ USD), lượng trái phiếu lên thêm 47% thành 3.300 tỷ nhân dân tệ. Đồng nhân dân tệ ghi nhận quý tốt nhất trong hơn một thập kỷ vào quý III/2020. 

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 53,5 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2021, Gavekal Dragonomics cho biết. Nhưng làn sóng vốn ngoại – cùng ảnh hưởng của chúng – đang khiến các lãnh đạo Trung Quốc đau đầu. 

Theo Bloomberg, từ lâu Trung Quốc đã ám ảnh vì rủi ro của các dòng vốn, đặc biệt là sau đợt phá giá tiền tệ năm 2015. Đó là lý do giới chức trách kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra và vào. Quy mô của dòng vốn đổ vào khiến Trung Quốc có nguy cơ xảy ra bong bóng tài sản - bong bóng sẽ nổ tung ngay khi dòng tiền bắt đầu chảy ra.

Giáo sư Paola Subacchi của Viện Chính sách Toàn cầu Queen Mary thuộc Đại học London cho biết: "Vào thời điểm nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài trở nên quá lớn để kiểm soát và bắt đầu gây áp lực lên ổn định tài chính – hoặc tạo ra rủi ro hay mối nguy đến ổn định tài chính – nhu cầu đó sẽ bị hạn chế".

Cuộc chiến nảy lửa của Trung Quốc với tiền nóng ngày càng khốc liệt - Ảnh 2.

Sự hiện diện của nhà đầu tư ngoại quốc tại thị trường vốn của Trung Quốc chưa bao giờ lớn đến thế: Trong những năm gần đây Bắc Kinh đã mở ra những con đường để đón dòng tiền vào, cho phép giao dịch chứng khoán và trái phiếu qua Hong Kong và nỗ lực đưa tài sản bằng đồng nhân dân tệ vào các chỉ số chứng khoán lớn trên toàn cầu. Mục tiêu tổng thể là giúp thị trường trở nên hiệu quả và mạnh mẽ hơn.

Các tổ chức như quỹ hưu trí sẽ đem đến sự ổn định cho thị trường chứng khoán bị chi phối bởi giới đầu cơ, đồng thời tăng cường thanh khoản cho thị trường trái phiếu èo uột.

Lượng tiền kích thích khổng lồ của nhiều nước đã biến Trung Quốc thành nạn nhân của thành công của chính bản thân. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đánh giá rằng "tỷ giá hối đoái biến động mạnh và dòng vốn lớn sẽ đe dọa sự ổn định tài chính và gây ra những hậu quả kinh tế tiêu cực".

Những lo ngại trên đang bắt đầu xuất hiện trong thị trường nội địa của Trung Quốc. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đi lên, thu hẹp khoảng cách với trái phiếu Trung Quốc còn khoảng 1 điểm % kể từ mức kỷ lục vào tháng 11. 

Kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế cũng giúp đồng USD mạnh lên và khiến đồng nhân dân tệ suy yếu. Chỉ số CSI 300 giảm hơn 10% so với đỉnh của năm nay. Nguy cơ dòng vốn chảy ra đang gia tăng.

Ông David Qu, nhà kinh tế tại Bloomberg Economics nhận xét: "Dòng vốn ra luôn là một mối lo nghiêm trọng. Giới chức trách Trung Quốc có thể đang lo rằng dòng tiền vào, đặc biệt là tiền nóng, có thể chảy ra khi điều kiện thị trường thay đổi".

Những lời cảnh báo của các quan chức chính phủ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Trong bài phát biểu hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Yi Huiman tuyên bố các dòng "tiền nóng" lớn vào Trung Quốc phải được kiểm soát chặt chẽ. Ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc "rất lo ngại" rằng bong bóng tài sản ở các thị trường nước ngoài sẽ sớm vỡ tung, gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Ông Li Daokui, cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc đổ lỗi cho gói cứu trợ của Mỹ vì nguy cơ bất ổn.  

Để quản lý và tạo ra đối trọng với dòng vốn vào, Trung Quốc đã đều đặn cấp hạn ngạch bổ sung cho các quỹ trong nước đầu tư vào chứng khoán nước ngoài. Tổng hạn ngạch tháng 3 tăng lên 135 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.

Biện pháp khác bao gồm khuyến khích quỹ tương hỗ đầu tư vào chứng khoán Hong Kong và yêu cầu tổ chức tài chính hạn chế cho vay ra nước ngoài. Tháng 12 năm ngoái, Hong Kong thông báo đang thảo luận các kế hoạch để cho phép nhà đầu tư Trung Quốc nội địa giao dịch trái phiếu trong thành phố. Động thái này sẽ khuyến khích dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc nội địa. 

Cuộc chiến nảy lửa của Trung Quốc với tiền nóng ngày càng khốc liệt - Ảnh 3.

Nhưng những bước đi trên vẫn còn khá nhỏ bé, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang cảnh giác với việc đi quá xa. Trung Quốc sẽ khó có thể mở cửa biên giới tài chính mà không chịu tác động từ các hành động của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giống như những nền kinh tế mới nổi khác.

Chính sách tiền tệ dễ dàng của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã góp phần tạo ra bong bóng ở hàng loạt quốc gia từ Indonesia đến Thái Lan. Những bong bóng này vỡ khi Fed chuẩn bị tăng lãi suất.

Fed đối phó với đại dịch bằng các chính sách tương tự như năm 2008 nhưng nhanh và mạnh tay hơn hẳn. Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed đã lên đến gần 7.700 USD, tăng 3.700 tỷ USD so với đầu năm ngoái. Con số 7.700 tỷ USD tương đương với 36% GDP Mỹ, một kỷ lục mới.

Rất ít nền kinh tế có thể hấp thụ lượng tiền trên. Thị trường chứng khoán trị giá 10.900 tỷ USD và thị trường trái phiếu 18.000 tỷ USD của Trung Quốc biến quốc gia này trở thành mục tiêu rõ ràng.

Vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt sẽ càng trở nên cấp bách hơn khi tỷ trọng tài sản bằng đồng nhân dân tệ trong các chỉ số chứng khoán toàn cầu tăng lên, thu hút thêm hàng tỷ USD. Cho phép có thêm dòng vốn vào sẽ làm giảm rủi ro bong bóng nhưng tăng cường nguy cơ tiền bị rút ra quá nhanh, giống như những gì xảy ra trong đợt phá giá tiền tệ 2015.

Giang