Bitcoin: Đột phá cách mạng hay trùm sò của các bong bóng?
Vài tuần gần đây, giá bitcoin đã được đẩy lên sau các thông báo đầu tư của Tesla và hãng bảo hiểm MassMutual. Các ngân hàng, MasterCard và nhà đấu giá Christie's đã mở rộng cửa cho bitcoin, giúp đồng tiền này trở nên gần gũi hơn với cộng đồng tài chính phổ thông.
Trước khi doanh nghiệp Mỹ nhón chân vào thị trường tiền mã hóa, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị ấn tượng trước tiềm năng của bitcoin, ví dụ như cô Nikki Beesetti. Năm 2017, cô Beesetti là sinh viên ngành kỹ thuật của Đại học Purdue. Để có tiền chi tiêu, cô Beesetti có công việc phụ là giảng dạy.
"Tôi được trả khoảng 10 USD mỗi giờ, chỉ đủ để mua thức ăn, mỳ và cafe", cô chia sẻ với tờ NPR.
Là sinh viên kỹ thuật, cô Beesetti tò mò về công nghệ và thiết kế đổi mới của bitcoin cũng nưh tiềm năng đầu tư của đồng tiền này. Cô nghiên cứu rất nhiều và chi 2.000 USD để mua một đồng bitcoin.
"Tôi bán ra với giá khoảng 19.000 USD vào cuối năm 2017", cô nhớ lại.
Chỉ một đồng bitcoin đủ để trả toàn bộ học phí một kỳ của cô Beesetti. Nó cũng thay đổi cuộc sống của cô. Giờ đây cô Beesetti vẫn mua bitcoin, vẫn hào hứng với tiềm năng của tiền mã hóa.
"Đôi khi lúc bạn còn trẻ, một công nghệ mới có thể thực sự kích thích bạn, định hình tương lai và cách bạn nhìn thế giới. Tôi nghĩ đó là cách bitcoin thay đổi tôi. Bitcoin khiến tôi lạc quan hơn, mang lại cho tôi rất nhiều điều để mong đợi", cô chia sẻ
Tín đồ bitcoin
Có những người tin tưởng hoàn toàn vào bitcoin không phải chỉ về phương diện đầu tư mà còn với tư cách là đột phá mang tính cách mạng. Người đàn ông George Mekhail là một trong số họ. Ông Mekhail là chuyên gia về cho vay thế chấp và đồng tác giả cuốn sách "Tạ ơn Chúa vì Bitcoin" về những lý do nên tin tưởng đồng tiền này về mặt đạo đức.
Lập luận của những tín đồ bitcoin giống ông Mekhail như sau: Bitcoin không bị chi phối bởi chính trị, yếu tố rất quan trọng trong thời kỳ nhiều người không tin tưởng vào năng lực và mục đích của chính phủ. Đồng tiền này không bị kiểm soát bởi ngân hàng trung ương hay các lãnh đạo chính trị thèm khát sự ủng hộ của đám đông. Bitcoin không bị giới hạn bởi biên giới và không thể bị làm giả.
Và đây có thể là đặc điểm quan trọng nhất về bitcoin: Theo cách thiết kế ban đầu, chỉ có tối đa 21 triệu đồng bitcoin được tồn tại. Do đó, giống với vàng, bitcoin là hữu hạn và có thể là công cụ phòng ngừa lạm phát. Ngược lại, các chính phủ có thể in bao nhiêu tiền tùy thích. Các tín đồ lập luận rằng tính khan hiếm khiến bitcoin có giá trị.
Theo NPR, cách giải thích hợp lý hơn cho cơn cuồng bitcoin là nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội. Từ những tổ chức chuyên nghiệp đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tâm lý sợ bỏ lỡ tiềm năng của bitcoin đã đẩy giá đồng tiền ảo này lên trên trời. Giá bitcoin đã tăng hơn 440% so với một năm trước.
Phe hoài nghi: Chẳng hiểu sao giá bitcoin lại khác 0
Những người nghi ngờ bitcoin khẳng định động lực của thị trường không thể kéo dài mãi và chắc chắn giá sẽ lao dốc mạnh. Theo họ, bitcoin là tài sản không có giá trị cơ bản, khác với bất động sản hay chứng khoán.
Ông Robert Shiller, nhà kinh tế đoạt giải Nobel nổi tiếng với nghiên cứu về bong bóng nhận xét: "Theo tôi, việc cho rằng bitcoin có giá trị nội tại là sai lầm".
Nhiều nhà kinh tế giành giải Nobel danh giá đã cảnh báo về bitcoin, khẳng định loại tài sản này là bong bóng đầu cơ. Một người trong số họ là ông Oliver Hart đã gửi email đến NPR: "Giống như nhiều nhà kinh tế khác, tôi không hiểu vì sao giá bitcoin không phải là 0".
Ý kiến về giá trị của bitcoin rất trái chiều, một phần do đồng tiền mã hóa này là vô hình, thậm chí bí ẩn. Ông James Ledbetter, biên tập viên bản tin tài chính công nghệ FIN cho biết: "Về bản chất bitcoin là loại tiền tệ dựa hoàn toàn vào toán học. Nó không tương ứng với bất kỳ thứ gì trong thế giới thực".
Nhưng bitcoin thực sự tồn tại trong thế giới kỹ thuật số, nơi giao dịch được ghi nhận trong sổ cái. Công nghệ cơ bản được sử dụng để theo dõi các giao dịch - được gọi là blockchain - về cơ bản là một phương tiện lưu trữ hồ sơ.
"Blockchain xác nhận giao dịch để mọi người có thể tin rằng hệ thống trong sạch và minh bạch", ông Ledbetter nói.
Nhiều người nói rằng blockchain có thể có ứng dụng ý nghĩa trong thế giới thực như trong việc bảo vệ bản quyền, đăng ký quyền sở hữu đất đai hay thậm chí an toàn thực phẩm.
Sự đổi mới tuyệt vời 'như một bộ phim'
Hệ sinh thái tiền mã hóa cũng có những hạn chế riêng. Việc xác minh các giao dịch bitcoin tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Tội phạm mạng đã đánh cắp bitcoin và các loại tiền mã khác từ các sàn giao dịch. Hơn nữa không phải lúc nào giá bitcoin cũng tăng. Giá bitcoin đã giảm nhiều lần trong quá khứ.
Nhà kinh tế Robert Shiller nhận xét: "Việc vì sao bitcoin được chấp nhận rộng rãi như hiện nay là một bí ẩn. Tôi nghĩ hiện tượng này có liên quan tới sự thú vị xoay quanh ý tưởng về bitcoin".
Ông đồng ý rằng câu chuyện bitcoin rất hấp dẫn: "Những dòng mã bí mật, máy tính viết mã không thể bị phá vỡ. Câu chuyện về phát minh đặc biệt này nghe như thể nó thuộc về một bộ phim".
Nhưng cô Beesetti, cựu sinh viên Đại học Purdue trả hết học phí một kỳ bằng bitcoin thì lại cho rằng bitcoin và blockchain có những công dụng khó có thể tưởng tượng ra trong hiện tại.
Cô so sánh tình hình với khởi đầu của thời đại Internet: "Rất nhiều người không nghĩ rằng Internet sẽ là phát minh vĩ đại. Họ không thấy lợi ích của việc chia sẻ thông tin cho mọi người trên thế giới".
Vậy bitcoin là phát minh thế kỷ hay vàng của kẻ ngốc? Câu chuyện về bitcoin vẫn đang tiếp diễn, vì vậy hiện tại, bitcoin có thể là bất cứ thứ gì bạn nghĩ.