Bitcoin không dành cho nhà đầu tư yếu tim
Đầu tháng 1/2021, giá Bitcoin lập đỉnh mọi thời đại trên 41.000 USD, vốn hóa của toàn thị trường tiền điện tử vượt mốc 1.000 tỷ USD. Những nhà đầu cơ đang nắm giữ Bitcoin từng cho rằng đây chỉ là giai đoạn khởi đầu.
Ông Chamath Palihapitiya, Nhà sáng lập kiêm CEO quỹ đầu tư Social Capital trao đổi với CNBC: "Giá Bitcoin nhiều khả năng sẽ lên 100.000 USD, sau đó là 150.000 và rồi là 200.000 USD. Phải mất bao lâu ư? Tôi cũng không chắc, có thể là 5 hoặc 10 năm, nhưng chắc chắn sẽ đến mốc đó".
Ngân hàng JPMorgan Chase thì dự báo giá Bitcoin sẽ tăng lên tới 146.000 USD, có thể cạnh tranh với vàng trong dài hạn.
Sau một vài phiên giảm sốc liên tiếp, giá Bitcoin hiện nay chỉ còn khoảng 32.000 USD và vốn hóa thị trường tiền điện tử cũng đánh mất mốc 1.000 tỷ USD. Trái ngược với dự báo lạc quan của JPMorgan Chase, một ngân hàng nổi tiếng thế giới khác là UBS cho rằng giá Bitcoin sẽ tụt về 0.
Khoản đầu tư nào cũng phải kèm theo rủi ro, nhưng bitcoin có những đặc điểm khiến nó rủi ro hơn nhiều so với các sản phẩm truyền thống như cổ phiếu và tất nhiên là biến động mạnh hơn hẳn so với trái phiếu, tín phiếu Kho bạc.
Không cơ quan quản lý, giá tự do bay nhảy
Tại nhiều quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam, giá cổ phiếu hàng ngày chỉ biến động trong một biên độ nhất định. Ví dụ tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), mức tăng giảm không được quá 7% mỗi ngày, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) là không quá 10% mỗi ngày và tại thị trường UPCoM là 15%.
Ở các thị trường tiên tiến như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, khi giá cổ phiếu tăng quá nóng hay giảm quá sốc, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch để nhà đầu tư có thời gian bình tâm trở lại, tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra, tại sao giá cổ phiếu lại biến động mạnh.
Tuy nhiên với Bitcoin, không có ai đặt ra quy định về trần-sàn và cũng không có ai "dập cầu dao" ngắt mạch thị trường. Trong một phiên, giá Bitcoin có thể tăng hay giảm bao nhiêu tùy ý.
Năm 2015, giá Bitcoin biến động trong khoảng 200 - 500 USD. Đến tháng 12/2017, giá lập đỉnh 19.891 USD rồi sau đó đột ngột đánh mất 1/3 giá trị chỉ trong một phiên duy nhất.
Những biến động siêu to khổng lồ này dẫn tới tâm lý bầy đàn mạnh mẽ. Khi giá giảm, nhà đầu tư biết rằng không có chốt chặn nào ở dưới, cũng không chuyện tạm nghỉ để tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra nên tất cả đều tranh nhau bán tháo, tránh thua lỗ nặng nề hơn.
Khi giá tăng, nhà đầu tư vội vàng mua vào vì sợ bỏ lỡ cơ hội làm giàu nhanh chóng mà không cần biết hoặc không có thời gian tìm hiểu.
Thị trường nhỏ, dễ bị thao túng
Ở giai đoạn đỉnh cao, vốn hóa của Bitcoin cũng chỉ đạt khoảng 700 tỷ USD và của toàn bộ thị trường tiền mã hóa là gần 1.100 tỷ USD. Giá trị tiền mã hóa thực tế được giao dịch hàng ngày còn nhỏ hơn rất nhiều.
Trong khi đó, chỉ riêng vốn hóa của đại gia công nghệ Apple đã là trên 2.000 tỷ USD, của Amazon là trên 1.600 tỷ USD, của Microsoft là 1.700 tỷ USD. Thị trường vàng cũng có giá trị lên tới khoảng 2.700 tỷ USD.
Quy mô vốn hóa của Bitcoin tương đối nhỏ khiến cho thị trường này dễ bị thao túng bởi một vài tay chơi lớn. Vì không có cơ quan nhà nước nào quản lý giao dịch Bitcoin nên tất nhiên cũng không có ai điều tra hay xử phạt hành vi lũng đoạn.
Theo tờ The Balance, ông David Stein, cựu Giám đốc chiến lược đầu tư công ty Fund Evaluation nhận định: "Khác với thị trường vàng hay ngoại hối như USD, quy mô của Bitcoin rất nhỏ và do vậy rất dễ biến động mạnh".
Nhiều người ủng hộ Bitcoin vì tính phi tập trung của nó, không bị chính phủ kiểm soát và không bị ngân hàng trung ương phá giá bằng cách in thêm ồ ạt.
Tuy nhiên, Bitcoin không thể hoàn toàn nằm ngoài pháp luật hay tác động của hệ thống ngân hàng. Nhà nước có thể siết chặt các quy định liên quan tới tiền mã hóa. Ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng tới giá Bitcoin thông qua chính sách lãi suất. Việc các ngân hàng thương mại mua hoặc bán một số lượng lớn tiền mã hóa cũng khiến cho giá biến động mạnh.
Không có yếu tố cơ bản để phân tích và dự phóng
Người mua cổ phiếu hay trái phiếu có thể đánh giá mức độ rủi ro và khả năng sinh lời dựa theo các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp (hoặc của quốc gia, trong trường hợp mua trái phiếu Chính phủ).
Các chỉ tiêu này có thể là tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi chí, lợi nhuận, các chỉ số như P/E, P/B, ROA, ROE, ... Chẳng hạn khi nhìn vào P/E (Price-to-Earnings), nhà đầu tư có thể đánh giá một cách sơ bộ mức độ đắt - rẻ của một cổ phiếu khi so với quá khứ hoặc các cổ phiếu khác cùng ngành. Nhìn vào tài sản và nợ, nhà đầu tư có thể tính ra đòn bẩy tài chính.
Việc doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, định hướng hoạt động trong tương lai cũng cung cấp cho nhà đầu tư nhiều thông tin quan trọng để đánh giá và ra quyết định.
Với Bitcoin nói riêng và các loại tiền mã hóa nói chung, nhà đầu tư hầu như không có thông tin gì để phân tích, ngoại trừ thống kê giá lịch sử.
Ông David Stein nói: "Tiền mã hóa có bản chất đầu cơ, giá hoàn toàn phụ thuộc vào cung và cầu trên thị trường". Bitcoin là một phát minh tương đối mới và chưa được ứng dụng rộng rãi. Vì vậy nhà đầu tư còn phải gánh chịu thêm một rủi ro nữa là Bitcoin có thể bị thay thế bởi một loại tiền mới, hiệu quả hơn, hoặc có thể nó sẽ bị cơ quan quản lý cấm đoán tới mức tuyệt chủng".
Không tạo ra của cải thật
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng cho rằng Bitcoin có bản chất đầu cơ chứ không phải đầu tư. Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC năm 2018, vị Chủ tịch của Tập đoàn Berkshire Hathaway nói: "Mọi người mua Bitcoin vì một lý do duy nhất là kỳ vọng sẽ có người sau sẵn sàng mua lại với giá cao hơn".
Xét theo khía cạnh này, bong bóng Bitcoin có nét giống với "Hội chứng cuồng hoa Tulip" vào thế kỷ 17 (Tulipmania). Giá hoa Tulip tăng hàng chục lần không phải vì có công dụng thần kỳ gì mà chỉ là vì mọi người đua nhau mua.
Nhiều người cho rằng vì số lượng Bitcoin là hữu hạn (tối đa không quá 21 triệu đơn vị) nên giá trị của Bitcoin sẽ tăng dần theo thời gian chứ không bị mất giá như tiền giấy khi ngân hàng trung ương in thêm vô tội vạ. Vì đặc tính giảm phát này mà Bitcoin vẫn được coi là một tài sản tích trữ giá trị chống lạm phát mặc dù bản thân nó không cho ra sản phẩm như một doanh nghiệp.
Charlie Munger - Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway gọi Bitcoin là "thuốc chuột", Chủ tịch Warren Buffett thì gọi nó là "thuốc chuột bình phương", hàm ý đây là một sản phẩm cực kỳ nguy hiểm với nhà đầu tư.
"Bitcoin là một loại tài sản không sản sinh ra cái gì. Giả sử bạn mua một nông trại, sau 10 năm bạn vẫn có nông trại đó và còn thu được sản phẩm vụ mùa trong 10 năm. Khi chúng tôi mua một doanh nghiệp, chúng tôi phải đánh giá xem doanh nghiệp đó sẽ tạo ra những gì. Khi bạn mua những tài sản không sản xuất, bạn chỉ có thể trông chờ vào việc người tiếp theo sẵn sàng trả giá cao hơn", Warren Buffett nói.