|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lệnh trừng phạt của Mỹ thường xuyên phản tác dụng, làm lợi cho Trung Quốc

14:33 | 06/04/2021
Chia sẻ
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến Nga, Iran và Myanmar trở thành đối tác thân thiết với Trung Quốc. Đồng minh của Mỹ bị thiệt vì tuân thủ với các lệnh trừng phạt của Washington trong khi Trung Quốc nghiễm nhiên được lợi.
Lệnh trừng phạt của Mỹ thường xuyên phản tác dụng, làm lợi cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gặp gỡ tại Tehran vào ngày 27/3. (Ảnh: Reuters).

Chính sách đối ngoại của Mỹ từ lâu đã dựa vào các lệnh trừng phạt, bất chấp hiệu quả đáng ngờ và hậu quả khó lường mà chúng gây ra. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden nhanh chóng áp trừng phạt mới lên Nga và Myanmar.

Lệnh trừng phạt là công cụ được Mỹ yêu thích thường xuyên sử dụng khi đối phó với các quốc gia không thể đáp trả tương tự. Theo Nikkei Asia, Washington đã rơi vào cái bẫy tự làm tổn thương chính mình khi coi trừng phạt là cách giải quyết mọi vấn đề.

Các biện pháp trừng phạt có thể là chính sách hiệu quả trong nửa sau của thế kỷ 20, khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ áp đảo các nước khác. Nhưng với sự giàu có và sức mạnh tương đối của Mỹ với phần còn lại của thế giới suy giảm, tính hiệu của các biện pháp trừng phạt cũng mất dần. 

Thay vì là đòn đánh nghiêm trọng, lệnh trừng phạt của Mỹ lại thường xuyên thúc đẩy lợi ích chiến lược và thương mại của đối thủ chính là Trung Quốc.

Minh họa rõ nhất cho thực tế trên là thỏa thuận hợp tác 25 năm mới giữa Trung Quốc và Iran về kinh tế và an ninh. Các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt của Mỹ đã biến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Iran trong thập niên qua.

Giờ đây, theo thỏa thuận mới, Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của Iran, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và thành lập ngân hàng liên doanh cho phép chính phủ Iran vay và giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Iran cũng cho thấy lệnh trừng phạt của Mỹ có thể làm tổn thương cả đồng minh như Ấn Độ và Nhật Bản.

Ấn Độ tuân thủ lệnh cấm vận dầu mỏ Iran của Mỹ và kết quả là chi phí nhập khẩu nhiên liệu của nước này tăng thêm hàng tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh việc mua dầu của Iran với giá rẻ. Khi Mỹ áp loạt hình phạt mới đối với Iran vào tháng 11/2018, nhiều công ty Nhật Bản phải chấm dứt hợp đồng với các nhà cung cấp năng lượng Iran.

Các nhà lập pháp Mỹ nên lo ngại nhất về việc các hành động trừng phạt của họ đã buộc Nga xoay trục về Trung Quốc, giúp hai đối thủ này trở thành đối tác chiến lược thân thiết.

Ông Biden giáng đòn mới lên Moscow vào tháng 3 vì vụ bắt giữ chính khách đối lập Alexei Navalny. Tiếp theo, sau khi tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải "trả giá" vì can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ và gọi ông Putin là "kẻ giết người", ông Biden đe dọa sẽ tung ra các biện pháp tẩy chay hà khắc hơn nữa.

Làn sóng trừng phạt từ Mỹ kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã khiến quan hệ giữa Washington và Moscow rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc sụp đổ của Bức tường Berlin. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gần đây cũng chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt "sẽ không có mấy tác dụng".

Trên thực tế, mối liên kết chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa Nga với Trung Quốc thể hiện sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhấn mạnh bản chất phản tác dụng của các biện pháp trừng phạt. Gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ tạo thêm sức mạnh cho Trung Quốc trong việc thách thức vị thế siêu cường hàng đầu thế giới của Mỹ.

Ngược lại, Mỹ đối xử với Trung Quốc bằng sự tôn trọng. Ví dụ, ông Biden không gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là "kẻ giết người". Mỹ trừng phạt hàng chục quan chức Trung Quốc vì làm tổn hại mức độ tự chủ của Hong Kong nhưng lại né tránh những người thân cận với ông Tập.

Tuy nhiên, khi đối xử với các nước nhỏ hơn, Mỹ thường xuyên sử dụng biện pháp trừng phạt thay vì chính sách có tính đến tương lai. Ví dụ năm 2019, Mỹ trừng phạt các lãnh đạo quân sự Myanmar với cáo buộc đàn áp người Hồi giáo ở Rohingya.

Các lệnh trừng phạt này đã xóa bỏ mọi động lực để Thống tướng Min Aung Hlaing ủng hộ quá trình dân chủ hóa ở Myanmar.  

Lệnh trừng phạt của Mỹ thường xuyên phản tác dụng, làm lợi cho Trung Quốc - Ảnh 2.

Thống tướng Min Aung Hlaing gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2019. (Ảnh: Picture Alliance).

Lịch sử có nguy cơ lặp lại. Các biện pháp trừng phạt mạnh tay cuối những năm 1980 của Mỹ đã đẩy Myanmar lại gần Trung Quốc hơn. Làn sóng trừng phạt mới kể từ cuộc đảo chính đầu tháng 2 – bao gồm việc ngừng mọi giao dịch thương mại với Myanmar tuần trước – có thể khiến chính quyền quân sự tìm cách hợp tác với Bắc Kinh. 

Chính quyền Biden đã tiến hành đánh giá nội bộ các chương trình trừng phạt của Mỹ để hiểu rõ công dụng và hậu quả của chúng. Tuy nhiên, trước khi có kết quả, ông Biden đã vội vã tung ra các lệnh trừng phạt.

Theo Nikkei, Mỹ có nguy cơ tự làm giảm vị thế của chính mình với các hành động quá đà. Bước đầu tiên để loại bỏ nguy cơ đó là từ bỏ các biện pháp trừng phạt quá mức, điều chỉnh lại biện pháp trừng phạt để chúng không hỗ trợ cho tham vọng của Trung Quốc.

Giang