|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phương Tây cùng nhau trừng phạt Trung Quốc, chiến lược liên minh của ông Biden có hiệu quả?

16:31 | 23/03/2021
Chia sẻ
Mỹ, EU, Anh và Canada đã trừng phạt một số cá nhân Trung Quốc do liên quan đến chính sách về người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Sự đồng lòng này cho thấy chiến lược của chính quyền ông Biden nhằm bao vây Trung Quốc bằng các liên minh đang đạt được một số thành công bước đầu.

Hôm 22/3, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 4 cá nhân và một thực thể Trung Quốc với lý do quan ngại vấn đề nhân quyền, cụ thể là liên quan đến tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương. Cùng ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ban hành lệnh trừng phạt đáp trả nhắm vào 10 nhà lập pháp và 4 thực thể châu Âu.

Ngay sau EU, Mỹ, Anh và Canada cũng công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào quan chức Trung Quốc, cáo buộc những người này có dính líu với chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Còn Australia và New Zealand ra thông cáo chung cáo buộc hành vi của Bắc Kinh.

Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên mà EU áp đặt với Trung Quốc kể từ năm 1989 và diễn ra ngay trước chuyến thăm Brussels của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Trước khi ghé châu Âu, ông Blinken đã gặp mặt người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyến công du của ông Blinken được cho là nhằm khắc phục những thiệt hại mà chính sách "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Trump gây ra cho quan hệ đối ngoại của Mỹ, trong đó có tranh chấp giữa Mỹ và EU xoay quanh các khoản trợ cấp cho hai hãng chế tạo máy bay Boeing và Airbus.

Ngoài ra, Tổng thống Biden còn hội đàm cùng các nhà lãnh đạo của Bộ tứ kim cương gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ để củng cố mối quan hệ của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 31/12 năm ngoái, Trung Quốc bất ngờ nhượng bộ và vội vàng ký hiệp ước đầu tư với EU, mặc dù EU được chiến dịch của ông Biden kêu gọi không nên chấp thuận hiệp ước này.

Thỏa thuận mới cho phép doanh nghiệp EU dễ dàng tiếp cận thị trường tỷ dân hơn. Bắc Kinh cũng cam kết sẽ xóa bỏ hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ và minh bạch hơn về chính sách trợ cấp của nhà nước dành cho doanh nghiệp nội địa.

Giới quan sát từng cảnh báo hiệp ước mới có thể trở thành vật cản cho mối quan hệ giữa EU và chính quyền ông Biden, người khi đó chưa chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Song, biện pháp trả đũa mới nhất của Bắc Kinh nhắm vào các thành viên của Nghị viện châu Âu có thể khiến EU không chính thức phê chuẩn hiệp ước đầu tư với Trung Quốc.

Điều đó có thể tiếp thêm động lực cho tham vọng của chính quyền ông Biden khi mà họ đang cố gắng hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc, Sydney Morning Herald dự đoán.

Phương Tây cùng trừng phạt Trung Quốc, chiến lược hàn gắn đồng minh của ông Biden có hiệu quả? - Ảnh 2.

Ông Joe Biden, khi đó còn là Phó Tổng thống Mỹ, tiếp đón Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: AP).

Liên tiếp các chuyến công du và hội đàm từ Á sang Âu của chính phủ Mỹ cùng với màn đấu khẩu nảy lửa giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska hồi tuần trước càng cho thấy chính quyền ông Biden sẽ không mềm mỏng với Bắc Kinh như dự đoán.

Quả thực trước cuộc họp cấp cao ở Alaska, chính quyền ông Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với 24 chính trị gia Trung Quốc với cáo buộc xâm phạm quyền tự chủ của Hong Kong. Động thái này đã góp phần xây dựng lập trường của hai phái đoàn tại Alaska.

Có thể hiểu được rằng Trung Quốc không hài lòng với các lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây đối với vấn đề Tân Cương. Họ khẳng định các biện pháp trừng phạt này hoàn toàn dựa trên "dối trá và thông tin sai lệch", coi thường và bóp méo sự thật cũng như can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn tuyên bố các lệnh trừng phạt mới "gây ảnh hưởng nghiêm trọng" cho quan hệ EU - Trung Quốc và giúp chính phủ Mỹ được dịp hả hê.

Trung Quốc quan ngại rằng phạm vi ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh ở nước ngoài là khá hạn chế, nhưng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh truyền thống lại có phạm vi sâu rộng hơn do vai trò của đồng USD trong hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu.

Các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong sẽ không thể tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và bất kỳ tài sản nào của họ ở nước ngoài đều có nguy cơ bị đóng băng.

Trường hợp của bà Carrie Lam, đặc khu trưởng đặc khu Hong Kong, là một ví dụ. Bà Lam đã mất quyền tiếp cận tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đồng thời sức mạnh của đồng USD đã buộc mọi ngân hàng hoạt động ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục phải tuân thủ chỉ thị của Washington, kể cả những ngân hàng không đặt trụ sở tại Mỹ.

Ông Trump và người tiền nhiệm Biden đã tận dụng ưu thế của đồng USD và vũ khí hóa hệ thống thanh toán lấy đồng bạc xanh làm trung tâm để kiềm chế Trung Quốc và Nga, một đồng minh thân thuộc của Bắc Kinh.

Do đó, hai nước bị thiệt hại nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây này đang cố gắng làm suy yếu tầm ảnh hưởng của đồng USD bằng cách sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại. Đây chắc chắn sẽ là một chủ đề sẽ được đem ra thảo luận trong chuyến thăm hai ngày của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Trung Quốc.

Thành công của Nga và Trung Quốc lại khá hạn chế. Dù tần suất sử dụng đồng nhân dân tệ đã tăng, tỷ lệ giao dịch vẫn ở mức thấp và tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu cũng như giao dịch thương mại vẫn còn chiếm ưu thế. Do đó, hai nước từng hy vọng có thể tận dụng việc châu Âu tách rời Mỹ dưới thời ông Trump.

Song, chính quyền ông Biden lại bày tỏ thành tâm muốn ưu tiên các liên minh hơn là lợi ích trước mắt. Đây là minh chứng cho thấy ông Biden muốn sửa chữa những sai lầm mà ông Trump gây ra với các liên minh và đối tác của Mỹ.

Sự phối hợp ăn ý của Mỹ, EU, Anh và Canada đằng sau các lệnh trừng phạt mới nhất với Trung Quốc sẽ khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh quan ngại. Nếu ông Biden có thể hàn gắn liên minh truyền thống của Mỹ, Trung Quốc có thể nhận một cái kết đắng, Sydney Morning Herald cảnh báo.

Yên Khê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.