|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ tứ kim cương liên thủ để phá thế độc quyền về đất hiếm của Trung Quốc

16:49 | 12/03/2021
Chia sẻ
Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ sắp chung tay xây dựng chuỗi thu mua đất hiếm để gỡ bỏ thế độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực cung ứng loại vật liệu quan trọng cho nhiều sản phẩm, từ điện thoại thông minh, động cơ hiệu suất cao đến pin xe điện.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc hiện sản xuất gần 60% lượng đất hiếm trên thế giới và sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm đã gây ra lo ngại về nguồn cung.

Bộ tứ kim cương gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ muốn chống lại thế độc quyền của Trung Quốc thông qua hợp tác tài trợ cho các công nghệ cũng như dự án mới. Ngoài ra, Bộ tứ còn dự tính đi đầu trong việc soạn thảo các quy định quốc tế liên quan đến đất hiếm.

Trong cuộc họp trực tuyến sắp diễn ra vào ngày 12/3 (theo giờ Mỹ), các nhà lãnh đạo của Bộ tứ được dự đoán là sẽ tuyên bố ý định giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm do Trung Quốc sản xuất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng được cho là sẽ bày tỏ quan ngại về hành động trên biển của Trung Quốc thời gian qua. Ngoài ra, nhiều khả năng nhóm này sẽ đồng ý hợp tác cung ứng vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển.

Trung Quốc gần như độc quyền trong lĩnh vực chia tách và tinh chế đất hiếm và các quy trình này thường hủy hoại nghiêm trọng môi trường đất.

Song, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có nhiều quyền kiểm soát trong lĩnh vực khai thác đất hiếm. Thông thường, Mỹ xuất khẩu quặng đất hiếm khai thác trong nước sang Trung Quốc, sau đó nhập khẩu 80% nguồn cung đất hiếm tinh chế từ đó về nước.

Bộ tứ kim cương liên thủ để phá thế độc quyền về đất hiếm của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nikkei/Reuters, AFP.

Bắc Kinh coi đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược và sử dụng vị thế gần như độc quyền đó như một quân cờ để thương lượng ngoại giao. Năm 2010, Trung Quốc tạm dừng cung ứng đất hiếm cho Nhật Bản sau khi Tokyo tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư). Khi Trung Quốc ngừng xuất đất hiếm, giá một số kim loại thuộc nhóm này đã tăng vọt gần 9 lần.

Có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa dừng sử dụng chính sách ngoại giao đất hiếm. Gần đây, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo đang xem xét áp đặt các giới hạn đối với hoạt động xuất khẩu đất hiếm.

Hôm 24/2, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh hành pháp mới. Theo đó, trong 100 ngày, chính phủ Mỹ phải tiến hành đánh giá chuỗi cung ứng của các sản phẩm quan trọng như chip máy tính, pin dung lượng lớn, thành phần dược học hoạt tính cũng như các khoáng sản quan trọng và nguyên liệu chiến lược. Đất hiếm nằm trong danh mục cuối cùng.

Theo Nikkei, ban đầu Bộ tứ sẽ tập trung phát triển công nghệ tinh chế đất hiếm. Các mạch đất hiếm thường chứa chất phóng xạ và trong quá trình tinh chế sẽ thải ra một lượng lớn chất phóng xạ.

Một phần nhờ chính sách môi trường lỏng lẻo hơn mà Trung Quốc đã xây dựng được lợi thế về giá trên thị trường đất hiếm. Do đó, Bộ tứ sẽ nỗ lực đưa ra công nghệ tinh chế với chi phí thấp và ít thải ra chất phóng xạ.

Ngoài ra, 4 nước cũng dự định tạo điều kiện để các tổ chức tài chính thuộc chính phủ cấp các khoản vay hợp vốn cho doanh nghiệp khai thác và tinh chế đất hiếm.

Ở diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự định sẽ thiết lập các quy định để ngăn chặn lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc.

Ấn Độ không phải thành viên của IEA nhưng vào tháng 1, theo gợi ý của ba nước Nhật Bản, Australia và Mỹ, Ấn Độ và IEA đã ký kết hiệp định đối tác chiến lược nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

IEA sẽ kêu gọi các nước châu Âu tham gia thảo luận. Cơ quan này dự kiến sẽ tạo ra một khuôn khổ chung để các nước thành viên báo cáo trữ lượng đất hiếm và siết chặt hoạt động giám sát trên phạm vi quốc tế.

Khả Nhân