Trung Quốc lo sốt vó khi Mỹ tung ra gói cứu trợ nghìn tỷ USD
"Một cơn lũ dữ, một quái thú hung bạo"
Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Gói cứu trợ này bao gồm khoản viện trợ tiền mặt 1.400 USD/người, gia hạn trợ cấp thất nghiệp, tài trợ cho chính quyền bang và địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch cũng như cấp ngân sách để triển khai vắc xin.
Theo SCMP, gói cứu trợ mới được dự đoán sẽ trở thành cú hích cho nền kinh tế Mỹ, song cũng làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng có thể quá nóng và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Ông Huang Qifan - cựu Thị trưởng thành phố Trùng Khánh kiêm cố vấn của chính phủ Trung Quốc, mô tả gói giải cứu như "một cơn lũ dữ, một quái thú hung bạo". Ông cảnh báo gói cứu trợ có thể đặt ra thách thức lớn cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
"Để cứu nền kinh tế, chính phủ Mỹ đã giải phóng tổng cộng 7.000 tỷ USD thanh khoản thông qua phát hành trái phiếu Kho bạc và nới lỏng định lượng không giới hạn của Fed. Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mới chủ yếu lấy nguồn ngân sách từ đợt in tiền mới. Chắc chắn nó sẽ dẫn đến lạm phát cao", ông Huang lập luận tại một diễn đàn.
Các chuyên gia thường xuyên chỉ trích Mỹ lập luận rằng gói giải cứu mới sẽ tưới thêm xăng vào ngọn lửa hồi phục kinh tế vốn đã có dấu hiệu bùng cháy của Mỹ. Lạm phát do đó cũng có nguy cơ tăng vọt theo.
Hầu hết các thành viên trong ban hoạch định chính sách của Bắc Kinh đều đứng về phía những người chỉ trích. Họ đã nâng cao mức cảnh báo về những tác động dây chuyền tiềm tàng của gói cứu trợ kể từ khi ông Biden công bố dự luật vào tháng 1.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã bác bỏ những lo ngại. Họ cho rằng phải mất nhiều năm để nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn sau cú sốc vừa qua.
Các quan chức Trung Quốc lo ngại rằng thanh khoản tăng thêm từ gói cứu trợ mới của Mỹ, cùng với nguồn ngân sách dồi dào hiện có, có thể tạo ra bong bóng tài sản đe dọa sự ổn định của nền tài chính toàn cầu, bao gồm cả ở Trung Quốc.
Thái độ chỉ trích của giới chuyên gia Trung Quốc với gói giải cứu nghìn tỷ USD của Washington càng trở nên gay gắt hơn trong những ngày gần đây khi giá cổ phiếu của Trung Quốc giảm mạnh và lạm phát giá sản xuất nhảy vọt do chi phí nguyên liệu thô tăng cao.
Tính đến cuối năm 2020, khối nợ của chính phủ Mỹ đang neo ở mức khá cao là 27,8 nghìn tỷ USD, thâm hụt ngân sách liên bang ước tính khoảng 3.100 tỷ USD. Hai yếu tố này có thể gây nguy hiểm cho giá trị của đồng USD, khiến thị trường tài chính bất ổn và tạo ra "rủi ro hệ thống" cho nền kinh tế toàn cầu, ông Huang cảnh báo.
Cựu Thị trường thành phố Trùng Khánh nói thêm: "Dấu hiệu đã trở nên rõ nét hơn khi trong vài ngày qua, giá chứng khoán Mỹ, trái phiếu Kho bạc Mỹ và giá hàng hóa đều biến động".
Hiện tại, Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ hai của chính phủ Mỹ sau Nhật Bản. Tính đến cuối năm ngoái, Bắc Kinh đang nắm giữ khoảng 1.070 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Cộng đồng mạng và các nhà quản lý tài chính xôn xao
Người dùng mạng tại Trung Quốc phàn nàn rằng cả thế giới đang trả giá cho việc in tiền vô tội vạ của chính phủ Mỹ, bằng chứng là Chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã giảm gần 8% trong ba tuần qua, quét sạch vài nghìn tỷ nhân dân tệ giá trị thị trường.
Song, nếu nền kinh tế Mỹ mạnh lên, nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng trong thời gian tới. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2021 tăng 60,6% lên 468,9 tỷ USD; trong khi riêng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 87,3% lên 80,5 tỷ USD.
Phản ứng với gói cứu trợ mới Washington, China International Capital Corporation (CICC) - một trong các ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc, đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Mỹ từ 5,2% lên 6,2%. Song, CICC cũng cảnh báo rằng chính sách tài khóa mạnh tay của chính quyền ông Biden có thể dẫn đến việc kinh tế phát triển quá nóng và gia tăng lạm phát.
Trong nhiều tháng qua, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc cũng công khai bày tỏ lo lắng về tác động của gói giải cứu 1.900 tỷ USD đối với dòng vốn và thị trường tài chính nội địa.
Tuần trước, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, đã cảnh báo về "tác dụng phụ" của đạo luật giải cứu kinh tế mà Tổng thống Biden vừa ban hành. Ông còn lo ngại bong bóng khổng lồ có thể đang hình thành trên thị trường tài chính Mỹ.
Kinh tế trưởng Raymong Yeung của ngân hàng ANZ chi nhánh Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau cho biết nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ và Trung Quốc đều lo chính phủ sẽ siết chặt chính sách do kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ hơn.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng mạnh từ 1,15% trong tháng trước lên 1,5% vào đầu tháng 3 - mức cao nhất trong một năm qua. Đây là dấu hiệu có thể khiến thị trường tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất, ông Yeung cho hay.
Tuy nhiên, ông Yeung lưu ý rằng Bắc Kinh có thể tăng biên độ dao động của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ để bù đắp bất kỳ cú sốc nào. Đồng thời, ông nói khả năng dịch chuyển dòng vốn ra nước ngoài là khó xảy ra vì Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát vốn.
Ông Shen Jianguang - kinh tế trưởng của công ty tư vấn JD Technology, cho biết Mỹ đang kiếm tiền từ khoản thâm hụt ngân sách của họ và đó là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
"Trong dài hạn, đồng USD liên tục suy yếu sẽ đe dọa dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc cần phải kiên quyết thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ", ông Shen nhấn mạnh.