|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden: Ngày nào tôi còn làm tổng thống thì Trung Quốc đừng hòng vượt Mỹ

08:19 | 26/03/2021
Chia sẻ
Tại cuộc họp báo ngày 25/3, Tổng thống Joe Biden hứa sẽ mạnh tay đầu tư cho công nghệ và cơ sở hạ tầng để ngăn Trung Quốc vượt Mỹ trở thành siêu cường hùng mạnh nhất thế giới.
Ông Biden: Tôi còn tại nhiệm, Trung Quốc khó có cửa thành siêu cường hùng mạnh nhất thế giới - Ảnh 1.

Tổng thống Biden rời cuộc họp báo ngày 25/3. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 25/3, tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden nói: "Tôi biết Trung Quốc đang rượt đuổi Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh có mục tiêu chung là trở thành siêu cường hùng mạnh nhất thế giới, nền kinh tế giàu có nhất thế giới. Song, điều đó sẽ không trở thành hiện thực dưới nhiệm kỳ của tôi, vì Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng".

Ông Biden từ chối tiết lộ liệu ông sẽ giữ nguyên thuế quan trừng phạt với phần lớn hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc hay cấm các sản phẩm được tạo ra từ sức lao động cưỡng ép tại khu tự trị Tân Cương, Bloomberg cho hay.

"Tôi biết câu hỏi của các bạn là rất chính đáng, nhưng chúng chỉ động chạm một phần nhỏ trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Biden nói.

Tổng thống Biden khẳng định Washington rất coi trọng nhân quyền và ông sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh để chỉ ra những vi phạm của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tại Hong Kong.

"Khoảnh khắc một tổng thống Mỹ xa rời các giá trị nhân quyền, như người tiền nhiệm Donald Trump của tôi, là thời điểm chúng ta bắt đầu đánh mất luật lệ, trật tự trên thế giới", ông Biden nói thêm.

Ông Biden chỉ mới bắt đầu thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan và trừng phạt Bắc Kinh cũng như đổ lỗi cho chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình về sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Tổng thống Biden đưa ra bình luận mới chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và những người đồng cấp Trung Quốc có màn tranh cãi nảy lửa về nhân quyền và an ninh trong cuộc họp ở Alaska hồi tuần trước.

Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đã nêu quan ngại về hàng loạt vấn đề, bao gồm chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong cũng như các cuộc tấn công mạng gần đây.

Ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, đã chỉ trích "thói đạo đức giả" của người Mỹ và gọi Mỹ là "nhà vô địch" của các cuộc tấn công mạng.

Theo Bloomberg, ông Biden dự định mời "một liên minh các nền dân chủ" đến Nhà Trắng để "thảo luận về tương lai" và đảm bảo rằng các nước có cùng quan điểm về Trung Quốc và những vấn đề khác.

Chính quyền ông Biden vẫn đang phát triển chiến lược chung để đối phó Trung Quốc, trong đó có chính sách đối với các công ty công nghệ Trung Quốc và thỏa thuận thương mại do chính quyền ông Trump đàm phán.

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì quan điểm cứng rắn mà người tiền nhiệm Donald Trump từng áp dụng đối với các hoạt động kinh tế và nhân quyền của Bắc Kinh.

Đầu tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi trát đòi hầu tòa với một số công ty truyền thông Trung Quốc và đang áp dụng quy định của chính quyền ông Trump để chặn các giao dịch liên quan đến hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ thông tin - truyền thông.

Đầu tuần này, Washington đã phối hợp cùng các đối tác châu Âu, Anh và Canada công bố các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc dính dáng đến cáo buộc vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương.

Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc này và tiếp tục công kích cộng đồng quốc tế vì tuyên truyền thông tin sai lệch và dối trá về Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc chỉ mới đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Ngoài ra, ông Biden còn ký các sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước cũng như củng cố chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ, trong đó có chất bán dẫn và đất hiếm mà Mỹ đang phụ thuộc vào Trung Quốc.

Khả Nhân