|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngoại trưởng Blinken: Đồng minh không cần phải phân vân chọn Mỹ hay Trung Quốc

08:29 | 25/03/2021
Chia sẻ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định chính quyền Tổng thống Biden sẽ không yêu cầu các đồng minh phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc. Bình luận này được cho là đang tạo bàn đạp để Washington khôi phục các liên minh cũ sau 4 năm "Nước Mỹ trên hết".
Ngoại trưởng Blinken: Đồng minh không cần phải phân vân chọn Mỹ hay Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hiện đang có mặt tại châu Âu sau chuyến thăm đến Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như cuộc gặp cùng các quan chức Trung Quốc tại Alaska. (Ảnh: Bloomberg).

Không ép buộc đồng minh lựa chọn

Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) hôm 24/3, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: "Mỹ sẽ không ép các đồng minh chọn lựa giữa Mỹ hay Trung Quốc. Chúng tôi sẽ hàn gắn và cải tiến mối quan hệ chứ không phải đe nẹt đồng minh".

Ông Blinken nói thêm, Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc chứ không chỉ đơn giản là tìm cách đánh bại đất nước tỷ dân. Theo Bloomberg, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho rằng Washington và các đồng minh cần phải hợp tác phát triển công nghệ khi mà giao dịch với Trung Quốc có tồn tại rủi ro.

"Chẳng hạn như mạng 5G, khi lắp đặt công nghệ của Trung Quốc, các nước sẽ có nguy cơ bị Bắc Kinh giám sát chặt. Do đó, chúng ta nên tập hợp các công ty công nghệ từ Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc và Mỹ, sử dụng các khoản đầu tư cả công lẫn tư để đưa ra một giải pháp an toàn và đáng tin cậy thay cho mạng 5G của Trung Quốc", ông Blinken ví dụ.

Cũng tại sự kiện với Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh 30 quốc gia này cần phải cảm nhận mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc. Đồng thời, ông Stoltenberg khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng" cho an ninh của các nước thành viên NATO.

Song, vị tổng thư ký cho biết NATO và Trung Quốc có nhiều khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu.

"Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu", ông Stoltenberg nhấn mạnh. "Chúng ta cần phải duy trì cán cân cũ để giải quyết các thách thức, nhưng đồng thời cũng có thể tương tác với Trung Quốc ở những lĩnh vực vực có cơ hội hợp tác".

Chi tiêu quốc phòng

Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng đến năm 2024, các nước thành viên NATO nên tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. Đây là một yêu cầu quan trọng mà chính quyền cựu Tổng thống Trump từng kêu gọi NATO thực hiện.

Song, ông Blinken cho biết còn nhiều cách khác để đánh giá cam kết của các nước đồng minh NATO: "Chúng tôi phải thừa nhận rằng bởi vì các nước đồng minh có năng lực và sức mạnh tương đối khác biệt nên họ sẽ gánh vác trách nhiệm theo những cách khác nhau".

Hiện tại, Ngoại trưởng Blinken đang thực hiện chuyến thăm NATO, Liên minh châu Âu (EU) và Bỉ để khắc phục những thiệt hại mà chính quyền ông Trump gây ra cho quan hệ đồng minh và liên minh của Mỹ. Chẳng hạn, chính quyền ông Trump từng cảnh báo các nước có thể mất quyền tiếp cận thông tin tình báo của Mỹ nếu họ sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc.

Tại buổi họp báo, ông Blinken còn thảo luận một số vấn đề khác như đường ống dầu khí Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) mà Mỹ và Đức đang có sự bất đồng sâu sắc; quan hệ giữa chính quyền ông Biden và Nga; tương lai quan hệ với Iran.

Lập trưởng của ông Blinken tại Brussels lần này đảo ngược hoàn toàn so với hướng tiếp cận của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cách đây ba năm. Trong bài phát biểu cũ, ông Pompeo - đồng minh thân cận của ông Trump, từng chỉ trích các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc và khẳng định họ phải "cải tổ hoặc chấp nhận bị loại bỏ".

"Rõ ràng là Mỹ và châu Âu đã có một số cuộc thảo luận khó khăn và gay gắt trong những năm qua", Tổng thư ký NATO chia sẻ. Song, ông khẳng định NATO đã nhiều lần chứng minh rằng họ có thể thích ứng với môi trường chính trị mới.

Khả Nhân

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.