|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc âm thầm vũ khí hóa thương mại, chuẩn bị cho tương lai bất ổn

06:21 | 19/03/2021
Chia sẻ
Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Động thái này được công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft (Anh) đánh giá là có thể tăng cường năng lực vũ khí hóa thương mại của Bắc Kinh trong tương lai.

Trong báo cáo do Verisk Maplecroft mới công bố có đoạn: "Nếu Trung Quốc có một điểm yếu, thì đó chính là việc họ quá phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ngoài".

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng đầu của nhiều hàng hóa quan trọng, trong đó có dầu thô và quặng sắt. Song, nước này lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Verisk cho biết, một trong các cách giúp Trung Quốc đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa là mua lại cổ phần của các công ty nước ngoài. Qua đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng tỷ lệ tài nguyên do chính họ sở hữu trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trung Quốc âm thầm vũ khí hóa thương mại, chuẩn bị cho tương lai bất ổn - Ảnh 1.

Công ty tư vấn có trụ sở tại Anh cho biết, số lượng công ty khai thác kim loại cơ bản và vàng do Trung Quốc sở hữu ở châu Đại Dương đã tăng từ con số 0 hồi năm 2000 lên 59 vào năm ngoái.

Trung Quốc hiện chiếm khoảng 22,6% tổng sở hữu nước ngoài trong các công ty như vậy. Châu Đại Dương là khu vực bao gồm Australia, Papua New Guinea, New Zealand, Fiji và nhiều quốc đảo khác.

"Trung Quốc đang tìm cách tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua những khoản đầu tư và hợp tác nước ngoài với các công ty lớn trên thế giới. Từ cuối thập niên 1990, Bắc Kinh liên tục hỗ trợ các công ty thuộc sở hữu nhà nước 'vươn ra toàn cầu' và giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên ở nước ngoài", báo cáo của Verisk nhấn mạnh.

Lựa chọn đối tác

CNBC cho biết, Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng quan trọng như dầu thô, khí đốt tự nhiên, than luyện kim và quặng sắt từ "một nhóm nhỏ" các đối tác thương mại.

Để đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, Trung Quốc thường ưu tiên nhà cung ứng đến từ các nền kinh tế có bộ máy nhà nước ổn định thay vì các nền dân chủ thường hay thay đổi chính sách hoặc biến động trong chính phủ.

"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy Trung Quốc đang tìm tới các chính quyền chuyên chế có thể đảm bảo tính ổn định cho nguồn cung ứng tài nguyên hơn là các nền dân chủ đang hoặc có nguy cơ trở nên thù địch với Bắc Kinh. Song, Trung Quốc cũng đang sử dụng quy mô thị trường khổng lồ của mình như một đòn bẩy ngoại giao", Verisk lý giải.

"Bằng cách đa dạng nguồn cung hàng hóa, Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế để vũ khí hóa thương mại với các đối thủ địa chính trị, đồng thời khiến các đối tác mới cũng như hiện tại thêm phụ thuộc vào nền kinh tế của họ", hãng tư vấn nước Anh tiết lộ thêm.

Trung Quốc âm thầm vũ khí hóa thương mại, chuẩn bị cho tương lai bất ổn - Ảnh 2.

Tuy nhiên, các nước dân chủ thường chiếm ưu thế về sản lượng một số tài nguyên chiến lược, chẳng hạn như quặng sắt. Nhà cung ứng quặng sắt lớn nhất của Trung Quốc vào năm ngoái là Australia, một đồng minh của Mỹ và gần đây có nhiều hiềm khích với chính quyền Bắc Kinh.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy năm ngoái, trung bình hàng tháng Australia vận chuyển khoảng 60,9 triệu tấn quặng sắt đến Trung Quốc, chiếm hơn 60% tổng lượng nhập khẩu quặng sắt của đất nước tỷ dân.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc đang tăng cường quan hệ thương mại với các nhà sản xuất quặng sắt khác như Brazil và Papua New Guinea, Verisk lưu ý.

Vũ khí hóa thương mại

Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Australia ở mảng hàng hóa và dịch vụ, lần lượt chiếm 39,4% xuất khẩu hàng hóa và 17,6% xuất khẩu dịch vụ của Australia trong giai đoạn 2019 - 2020.

Báo cáo của Verisk cho thấy, Bắc Kinh đang muốn chứng minh họ sẵn sàng sử dụng thương mại như một đòn bẩy chính trị.

Sau khi Australia kêu gọi tổ chức cuộc điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, chính quyền ông Tập Cận Bình đã tăng thuế cao ngất lên rượu vang, tôm hùm cùng nhiều mặt hàng khác của Australia cũng như cấm nhập khẩu than của đất nước châu Đại Dương này.

Verisk nhận định, những căng thẳng địa chính trị như trên có thể kéo dài khi Trung Quốc tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng tài nguyên "không thân thiện".

"Cấm nhập khẩu than từ Australia chỉ là một ví dụ điển hình nhưng khả năng cao là Bắc Kinh sẽ còn áp đặt nhiều hạn chế và lệnh cấm với Canberra. Điều đó có thể tác động lớn lên thương mại hàng hóa và bối cảnh địa chính trị toàn cầu", Verisk nhấn mạnh.

"Doanh nghiệp và nhà đầu tư là đối tượng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những động thái ngoại giao của Bắc Kinh. Họ cần phải chuẩn bị phản ứng sao cho phù hợp", công ty tư vấn nước Anh cảnh báo.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân