|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc dừng nhập khẩu, than Australia tìm đường sang Việt Nam

17:20 | 15/12/2020
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết ông "quan ngại sâu sắc" trước thông tin Trung Quốc đã chính thức cấm nhập khẩu than của Australia. Các nhà xuất khẩu Australia đang cố gắng tìm kiếm các thị trường thay thế như Việt Nam, Nhật Bản,...để bù đắp thiệt hại.

Bloomberg đưa tin, hơn 50 tàu chở than của Australia đang phải lênh đênh trên biển sau khi các cảng Trung Quốc thông báo bằng miệng hồi tháng 10 rằng họ không được phép dỡ hàng.

Hôm 12/12, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) dường như đã chính thức cấm nhập khẩu than của Australia sau khi cho phép các nhà máy phát điện trong nước nhập khẩu than không hạn chế, ngoại trừ của Australia, báo Global Times của nhà nước Trung Quốc đưa tin. 

Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, nếu thông tin của Global Times là chính xác, điều đó cho thấy Trung Quốc đang có "hành vi thương mại phân biệt đối xử".

Trong cuộc phỏng vấn cùng đài phát thanh Australia Broadcasting ngày 15/12, ông Birmingham nhận xét: "Rủi ro khi giao dịch với Trung Quốc gia tăng đáng kể trong năm nay".

Kết thúc phiên giao dịch tại Sydney, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất than lớn như Whitehaven Coal và Yancoal Australia giảm lần lượt 5,9% và 8,4%.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2018, khi Canberra cấm Huawei Technologies xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G vì lý do an ninh quốc gia.

Trong năm nay, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Bắc Kinh cáo buộc Canberra là con rối của Mỹ và đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trung Quốc đóng sập cánh cửa, than của Australia tìm đường sang Việt Nam - Ảnh 1.

Than Australia. Ảnh minh họa: Reuters.

Trước than, Trung Quốc đã quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tổng cộng 80,5% đối với lúa mạch của Australia. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục áp thuế 107% - 212% đối với sản phẩm rượu vang. Ngoài ra, Trung Quốc còn yêu cầu thương nhân ngừng mua các mặt hàng như đồng, ngô, gỗ và tôm hùm của Australia.

Tình trạng căng thẳng hiện nay khác biệt rõ rệt với mối quan hệ thân tình trong quá khứ. Năm 2014, Australia từng đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình trong một chuyến thăm cấp nhà nước. Một năm sau, hai nước tiến đến kí kết hiệp định thương mại tự do toàn diện.

Chính quyền Canberra lo ngại rằng hành động của phía Trung Quốc dường như không phù hợp với "văn bản hay tinh thần" của hiệp định thương mại năm 2015, ông Birmingham bày tỏ.

Theo vị bộ trưởng, Australia đang tiến gần hơn đến việc đệ đơn kiện hành vi áp thuế lúa mạch của Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cân nhắc lộ trình khởi kiện cho than.

Việt Nam đón nguồn than giá rẻ từ Australia

Chia sẻ trên đài truyền hình quốc gia 9News, ông Birmingham cho biết Australia cũng đang xem xét các thị trường thay thế để xuất khẩu than: "Liên quan đến hoạt động xuất khẩu than, cần phải thừa nhận rằng mặc dù Trung Quốc là một thị trường quan trọng, song không phải thị trường lớn nhất của Australia".

"Australia có các thị trường lớn ở Nhật Bản, Ấn Độ và tăng trưởng khá mạnh thời gian qua là thị trường Việt Nam".

Theo phân tích của công ty tư vấn Argus Media (trụ sở tại Anh) từ số liệu của Cục Thống kê Australia, trong tháng 10 năm nay, tổng khối lượng than luyện kim (gồm than cốc - hard coking coal, bán than cốc - semi-soft coking coal và than bột - pulverised coal for injection) mà Australia xuất ra nước ngoài đạt 13,65 triệu tấn, giảm so với 14,61 triệu tấn của tháng 9/2020 và 14,57 triệu tấn tháng 10/2019.

Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1,64 triệu tấn than cốc và 80.000 tấn bán than cốc và than bột, giảm lần lượt 45% và 80% so với cùng kì năm trước. Nhật Bản nhập khẩu tổng cộng 1,52 triệu tấn bán than cốc và than bột, vượt qua Ấn Độ để trở thành đối tác lớn nhất của Australia ở hạng mục này. 

Việc Trung Quốc dừng nhập khẩu tạo ra tình trạng dư cung tạm thời và dẫn tới sự giảm sút của giá than Australia.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm nay nước ta nhập khẩu 18,78 triệu tấn than các loại từ Australia (bao gồm than luyện kim, than đốt, …), tổng trị giá 1,48 tỉ USD, tương ứng với giá trung bình 80,2 USD/tấn.

So với cùng kì 2019, xuất khẩu than từ Australia vào Việt Nam tăng 30% về khối lượng, tăng 2,6% về tổng giá trị, đồng thời giảm 21% về giá.

Một trong các nhà nhập khẩu than Australia lớn tại Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát. Trong cả năm 2020, Hòa Phát ước tính mua khoảng 364 triệu USD than từ Australia để phục vụ các lò cao luyện thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi, gấp hơn ba lần con số 115 triệu USD của năm 2019.

Bông cũng tìm đường sang Việt Nam

Không chỉ than, Australia còn đang tìm cách kích thích nhu cầu bông của Việt Nam khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang, Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho hay.

Hồi tháng 10, các nhà máy bông của Trung Quốc đã được lệnh ngừng mua bông của Australia. Động thái này đang đe dọa ngành công nghiệp bông trị giá gần 680 triệu USD của Australia.

Thời điểm đó, các nhà sản xuất bông của Australia chưa cảm nhận được tác động ngay lập tức vì họ không còn nhiều hàng tồn kho để bán sau đợt hạn hán kéo dài và sản lượng rơi xuống mức thấp kỉ lục.

Tuy nhiên sau đó, mưa đến tưới mát khu vực bờ biển phía đông của Australia và giúp sản lượng bông phục hồi về mốc 506.000 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2018. Do đó, các nhà xuất khẩu phải tranh nhau tìm thị trường thay thế Trung Quốc.

Reuters dẫn một nguồn tin trong ngành bông Australia cho biết: "Trung Quốc thường chiếm 60% lượng bông xuất khẩu của Australia. Chúng tôi đang nỗ lực kích thích Việt Nam, Thái Lan và các nước châu Á khác mua hàng".

Yên Khê