|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cái giá phải trả khi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

14:10 | 07/12/2020
Chia sẻ
Tận dụng sức mạnh của kinh tế Trung Quốc là chìa khóa cho thành công của Australia trong thời gian qua, nhưng chiến lược này lại phản tác dụng khi Bắc Kinh và Canberra đối đầu với nhau.
Cái giá phải trả khi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Australia và Trung Quốc từng có quan hệ tốt đẹp với nhau. (Ảnh: Getty Images).

Dồn quá nhiều trứng vào một giỏ

Kinh tế Australia đã được hưởng lợi rất lớn từ tốc độ tăng trưởng vượt bậc và mối quan hệ giao thương với Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Australia là quốc gia lớn duy nhất không rơi vào suy thoái, một phần nhờ vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, tờ Guardian cho biết.

Australia rất giỏi trong làm ăn với Trung Quốc nhưng lại rất kém trong việc đa dạng hóa. Trong một thập kỉ qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và mua hơn 1/3 hàng hóa xuất khẩu của nước này. Xét về lĩnh vực giáo dục và du lịch, Trung Quốc cũng là thị trường số một của Australia.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đang trở thành điểm yếu chí mạng của Australia trong bối cảnh chính phủ nước này cố gắng đối đầu với Bắc Kinh.

Nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia tại Đại học Western Australia chỉ ra rằng tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc từ 7 ngành bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt được công bố và không công bố là 47,7 tỉ USD vào năm ngoái. 

7 ngành bị Trung Quốc nhắm đến bao gồm: du lịch, than, giáo dục, thịt bò, rượu, bông và lúa mì.

Con số 47,7 tỉ USD bao gồm 19,3 tỉ USD xuất khẩu hàng hóa; 12,1 tỉ USD trong dịch vụ giáo dục và 16,3 tỉ USD du lịch. Sang năm 2020, tác động từ những đòn cảnh cáo của Trung Quốc thông qua giáo dục quốc tế và du lịch là không đáng kể vì COVID-19 khiến hai nước đóng cửa biên giới quốc tế. 

Nhưng nếu Trung Quốc khuyến cáo người dân không đến Australia với lí do lo ngại phân biệt chủng tộc thì sự phục hồi hậu COVID-19 của hai ngành này có nguy cơ bị đe dọa. 

Căng thẳng thương mại giữa hai nước lên cao kể từ khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19. Trung Quốc trả đũa bằng cách áp đặt thuế quan nặng nề lên nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Australia, mới đây nhất là rượu vang.

Một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc sẽ đem đến hậu quả rất tàn khốc tới Australia. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Western Australia và Đại học Quốc gia Australia, nếu hầu hết hoạt động thương mại giữa hai nước bị ngừng lại, Australia sẽ mất tới 6% GDP. Trong khi đó, tác động tới Trung Quốc chỉ khoảng 0,5% GDP.

"Bất kì sự xấu đi nào trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đều rất đáng lo với Australia", các nhà kinh tế tại Oxford Economics viết trong báo cáo tháng trước.

Mới đây, chính phủ Australia đã phát đi cảnh báo về thương mại, theo tin từ Bloomberg. Những bất ổn từ mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc và tác động kéo dài của đợt hạn hán trước đó sẽ kéo giá trị xuất khẩu nông nghiệp của nước này đi xuống.

Theo báo cáo từ cơ quan dự báo Abares, giá trị của các lô hàng nông sản sẽ giảm 7% trong giai đoạn 2020-2021 xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong khi đó, sản lượng nông nghiệp trong nước lại ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc.

Ngành nông nghiệp Australia đã phải gánh hậu quả của căng thẳng thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Canberra, đe dọa gây gián đoạn nghiêm trọng tới ngày càng nhiều nhà xuất khẩu.

Xung đột thương mại đã làm đảo lộn một số ngành: Các nhà sản xuất rượu Australia khẳng định mức thuế chống bán phá giá từ 107 đến 212% Trung Quốc áp đặt gây ra tổn hại vô cùng lớn, buộc họ tìm kiếm khách hàng mới ở Mỹ và châu Âu. Abares dự báo tồn kho rượu Australia sẽ tăng vọt từ nay tới hết 2021 do xuất khẩu sangTrung Quốc lao dốc.

Cái giá phải trả khi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Sức ép tới chính trị

Phụ thuộc kinh tế có thể giáng đòn đau vào chính trị. Giáo sư Hans Hendrischke tại Đại học Sydney nói với CNN: "Hiện tại, các lệnh cấm thương mại của Trung Quốc đang nhắm vào các "điểm đau" gây tổn hại đến những ngành xuất khẩu tương đối nhỏ, chẳng hạn như rượu vang hay thịt bò. Những ngành đó có thể bị ảnh hưởng nặng nề hoặc thậm chí buộc phải tái cấu trúc. Vấn đề này gây ra nhiều áp lực chính trị rộng rãi hơn là áp lực kinh tế toàn diện". 

Ông Joel Fitzgibbon, người phát ngôn về nông nghiệp của Đảng Lao động Australia lên án các động thái khiến giao thương với Trung Quốc xấu đi: "Nền kinh tế của chúng ta còn phải chịu thiệt hại bao nhiêu nữa trước khi Scott Morrison thừa nhận sai lầm của mình, nén tự ái và bỏ công sức để sửa chữa mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta?"

Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.