Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc không nên nhập nhằng chính trị với vắc xin COVID-19
Hôm 17/3, chia sẻ với Nikkei Asia và một số trang tin Nhật Bản khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: "Trung Quốc cùng nhiều nước khác đang tham gia vào thứ gọi là ngoại giao vắc xin. Chúng ta không nên nhập nhằng giữa phân phối hay tiếp cận vắc xin với chính trị hoặc địa chính trị".
"Chính sách ngoại giao vắc xin thường đi kèm với nhiều ràng buộc. Để nhận được vắc xin, các nước phải thỏa mãn một số (hoặc rất nhiều) yêu cầu", ông Blinken nói tiếp.
"Chúng ta nên phân phối vắc xin ngừa COVID-19 vì lợi ích chung của nhân loại. Tôi hy vọng đây sẽ là nguyên tắc thúc đẩy chúng ta hành động, giúp nhiều nước có thể tiếp cận vắc xin hơn", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Tháng 2 năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo họ sẽ cung ứng hoặc có kế hoạch hỗ trợ vắc xin cho 53 nước và xuất khẩu vắc xin sang 27 nước khác.
Để chống lại chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc, "Bộ tứ kim cương" gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia hồi tuần trước đã đồng ý cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho các nước Đông Nam Á.
Hiện tại, một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Philippines đang sử dụng vắc xin Sinovac của Trung Quốc. Theo Nikkei, Mỹ và Nhật Bản sẽ hỗ trợ ngân sách, Ấn Độ sản xuất vắc xin và Australia sẽ tận dụng năng lực logistics để vận chuyển vắc xin sang Đông Nam Á.
Khi được hỏi liệu Bộ tứ có muốn hợp tác triển khai vắc xin ngừa COVID-19 cùng Anh và Liên minh châu Âu (EU) hay không, ông Blinken cho biết chương trình này chỉ mới được đưa vào áp dụng.
"Chúng tôi cần một thời gian để hoàn thiện chương trình. Tôi hy vọng sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc đẩy sẽ mở rộng mạng lưới để có thêm nhiều người có thể tiếp cận vắc xin hơn so với dự định ban đầu của họ", Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp.
Cuộc phỏng vấn với Nikkei diễn ra một ngày sau khi ông Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp gỡ những người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Nobuo Kishi trong các cuộc đàm phán "2+2" tại thủ đô Tokyo.
Tại cuộc gặp, các vị bộ trưởng nhấn mạnh rằng hành vi của Trung Quốc đang "không phù hợp với trật tự quốc tế hiện tại và đặt ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự cũng như công nghệ cho thế giới".
Cũng trong cuộc họp báo cùng Nikkei, ông Blinken lên án chính sách của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan và quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ngoại trưởng Blinken cho rằng, Trung Quốc đang "có xu hướng đàn áp người dân trong nước và khuếch trương sức mạnh ở nước ngoài".
"Quan trọng là, chúng ta phải cùng nhau làm rõ rằng Trung Quốc không thể ung dung hành động mà không bị trừng phạt", ông Blinken nhấn mạnh. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định tầm quan trọng của nền dân chủ và liên minh Mỹ - Nhật khi Trung Quốc ngày càng bành trướng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Mỹ và Nhật Bản, hai trong số các nền dân chủ hàng đầu thế giới, nên thực sự đứng lên đấu tranh cho các giá trị dân chủ và cho thế giới thấy dân chủ chính là con đường tốt nhất để tiến lên phía trước", ông Blinken phát biểu ở đầu cuộc họp báo.
"Nền dân chủ của chúng ta đang đứng trước thách thức và mối đe dọa chưa từng có, không phải chỉ mới nảy sinh trong vài năm gần đây. Tôi nghĩ chúng ta thực sự có lợi khi chứng minh cho mọi người thấy dân chủ có thể mang lại cho họ cuộc sống tuyệt vời".
Đây là lần đầu tiên các quan chức chính phủ Mỹ thực hiện một chuyến công du nước ngoài kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền tổng thống. Chuyến thăm châu Á của hai vị bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng cho thấy Washington sẵn sàng hợp tác cùng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo này sẽ đến Seoul trong ngày 17/3 để đối thoại cùng những người đồng cấp Hàn Quốc.
Dự kiến vào ngày 18/3, Ngoại trưởng Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp mặt Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì để thảo luận một loạt vấn đề quan trọng. Bình luận của ông Blinken trong chuyến công du châu Á có thể làm phức tạp quá trình đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh.