|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EU đạt thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, nguy cơ rạn nứt với chính quyền ông Biden

15:07 | 31/12/2020
Chia sẻ
Hôm 30/12, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) chính thức đạt thỏa thuận đầu tư sau 6 năm ròng đàm phán, bất chấp chính quyền sắp tới của ông Biden từng lên tiếng cảnh báo Brussels không nên vội vàng ký thỏa thuận với Bắc Kinh.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 30/12, Trung Quốc và EU đã hoàn tất quá trình đàm phán cho các nội dung chính của Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) mà hai bên bắt đầu thương lượng từ năm 2014.

Tham dự cuộc họp có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Hiệp định CAI được kì vọng sẽ tạo cú hích cho các công ty châu Âu đang tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc và hồi sinh nền kinh tế châu Âu sau gần một năm bị đại dịch COVID-19 phá hoại.

Đối với Trung Quốc, thỏa thuận đầu tư mới với EU sẽ củng cố tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên phạm vi thế giới, đặc biệt là khi chính quyền ông Tập vừa ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trước đó không lâu.

Chia sẻ về bước tiến mới, Chủ tịch von der Leyen phát biểu: "Thỏa thuận này sẽ tái cân bằng mối quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc".

Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay: "Hiệp định CAI sẽ thúc đẩy kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 và nâng cao niềm tin của cộng đồng quốc tế vào toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tư do".

EU đạt thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, nguy cơ rạn nứt với chính quyền ông Biden - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đàm phán thỏa thuận qua mạng. (Ảnh: Reuters).

Rủi ro quan hệ Mỹ - EU rạn nứt

Trung Quốc và EU đạt được thỏa thuận ngay trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Giới quan sát chưa rõ chính quyền Mỹ sắp tới sẽ phản ứng với thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc và EU như thế nào.

Song, vào đầu tháng 12, chiến dịch của ông Biden đã cảnh báo Brussels đừng nên ký kết thỏa thuận quá vội vàng do "các lo ngại chung về hoạt động kinh tế của Trung Quốc". Một số nhà phân tích nhận định, Hiệp định CAI có nguy cơ phá vỡ liên minh thống nhất chống chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

"EU sẽ cần phải công khai quảng bá và bảo vệ CAI. Điều này có thể đi ngược lại với nỗ lực chung do Mỹ dẫn dắt nhằm kiếm chế hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc...", hai nhà phân tích Wendy Cutler và James Green cho hay trong một báo cáo mới.

Bà Cutler có hơn 30 năm làm việc tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), đặc biệt bà còn từng đảm nhận vai trò quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ. Ông Green từng là cố vấn bộ trưởng về các vấn đề thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cũng như tại USTR.

"Bắc Kinh sẽ sử dụng các cuộc đàm phán với EU để truyền đạt thông điệp rằng châu Âu ủng hộ chế độ thương mại và đầu tư của Trung Quốc, trái ngược với khẳng định của Mỹ về bản chất bất ổn và không công bằng của hệ thống này", hai nhà phân tích nhận định.

"Ngoài ra, Bắc Kinh có thể sử dụng hiệp định mới để dập bớt làn sóng chỉ trích liên quan đến các biện pháp thương mại mạnh tay áp dụng với Australia thời gian qua", hai nhà phân tích nói thêm.

"Rõ ràng, một trong các mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh khi nhượng bộ EU vào phút chót là chia rẽ mặt trận chống Trung Quốc giữa Mỹ và EU, ngay trước thềm chính quyền ông Biden lên nắm quyền", họ kết luận.

Theo Nikkei, vào phút chót của cuộc đàm phán, hai bên bất đồng về vấn đề bảo vệ người lao động ở Trung Quốc nhưng sau cùng, Bắc Kinh đã đồng ý hợp tác hướng tới việc phê chuẩn các quy tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động cưỡng ép.

"Lần đầu tiên, Trung Quốc đồng ý với các điều khoản tham vọng về phát triển bền vững, bao gồm những cam kết về lao động cưỡng ép", EU cho biết trong thông cáo báo chí sau cuộc đàm phán.

Trái với các hiệp định thương mại tự do, hiệp định đầu tư như của EU và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các điều kiện thúc đẩy đầu tư mà không đụng chạm đến thuế quan.

Hiệp định CAI hướng đến các cam kết mở cửa và tạo điều kiện để doanh nghiệp châu Âu thâm nhập vào các lĩnh vực như ô tô điện, bệnh viện tư nhân, bất động sản, quảng cáo, hàng hải, dịch vụ đám mây,....tại Trung Quốc. Một số yêu cầu liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với đối tác Trung Quốc cũng sẽ được dỡ bỏ.

Đổi lại, Trung Quốc sẽ cấm hành vi ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và cam kết minh bạch hơn trong trợ cấp doanh nghiệp cũng như cấm doanh nghiệp nhà nước phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, hiệp định CAI còn bao gồm một số cam kết về biến đổi khí hậu và quyền lao động. Hai bên sẽ cùng thực hiện các cam kết, song thị trường EU từ lâu đã hoạt động thông thoáng hơn. Hiệp định cũng thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp nếu một bên không tuân thủ thỏa thuận. Hiện tại, chưa rõ quy mô hoặc thời hạn thực hiện hiệp định này.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.