|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden: Mỹ phải đầu tư hơn 2.000 tỷ USD để chạy đua với Trung Quốc

08:41 | 08/04/2021
Chia sẻ
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 7/4, Tổng thống Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ cần gấp rút thông qua kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.250 tỷ USD để duy trì thế cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.
Ông Biden: Gói đầu tư 2.500 tỷ USD là vũ khí để Mỹ đối đầu Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: AP).

Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng mới là chưa từng có trong vài chục năm qua. Đây là khoản đầu tư lớn nhất cho người lao động Mỹ kể từ Thế chiến II".

Trước bài phát biểu của ông Biden, các quan chức chính phủ Mỹ cho biết kế hoạch đầu tư 2.250 tỷ USD nhận được đông đảo sự ủng hộ của người dân Mỹ. Hơn nữa, chính quyền Washington còn nhấn mạnh rằng đề xuất này là cực kỳ cần thiết sau nhiều thập kỷ Mỹ thiếu đầu tư vào đường sá, chăm sóc trẻ em cùng một số chương trình khác.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki dẫn kết quả thăm dò sơ bộ của Morning Consult và Data for Progress, khẳng định "có bằng chứng không thể chối cãi rằng người dân Mỹ ủng hộ" tầm nhìn của Tổng thống Biden đối với nền kinh tế Mỹ.

Theo Bloomberg, ông Biden đang tìm cách gây áp lực để các nhà lập pháp xuôi theo đề xuất mới bằng các vận động sự ủng hộ của cử tri. Đảng Cộng hòa hiện không bằng lòng với con số 2.250 tỷ USD khổng lồ mà ông Biden đưa ra cũng như các ưu tiên của kế hoạch mới, trong đó có khoản chi hàng trăm tỷ USD cho chăm sóc trẻ em và người già cùng với điều khoản tăng thuế suất doanh nghiệp.

Ông chủ Nhà Trắng nói đại dịch COVID-19 đã bộc lộ tình trạng bất bình đẳng kinh tế khiến hàng triệu người dân điêu đứng, đặc biệt là người da màu. Ông Biden cho rằng kế hoạch đầu tư mới cần phải bao hàm nhiều vấn đề chứ không nên chỉ xoay quanh cầu đường.

Ông Biden còn chỉ trích chính sách giảm thuế của người tiền nhiệm Donald Trump vì làm khối nợ công của Mỹ phình to. Đồng thời, vị tổng thống của Đảng Dân chủ còn chỉ trích rằng khối tài sản của các tỷ phú tăng mạnh trong dịch bệnh là không công bằng và phàn nàn về các tập đoàn có lợi nhuận cao nhưng tìm cách né thuế thu nhập liên bang.

"Tại sao tôi phẫn nộ? Có lẽ là vì tôi đến từ một cộng đồng trung lưu. Tôi đã quá chán ngán cảnh những người dân Mỹ bình thường luôn bị lừa gạt", ông Biden tiếp tục.

Tổng thống Mỹ kêu gọi cấp ngân sách để mở rộng băng thông truy cập Internet, thay thế các đường ống dẫn nước bằng chì trong cộng đồng và xây dựng các trạm sạc xe điện trên khắp cả nước.

"Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang cố gắng làm chủ tương lai với những thứ như công nghệ, máy tính lượng tử. Họ còn đầu tư rất nhiều tiền để điều trị ung thư và bệnh Alzheimer. Đó là cơ sở hạ tầng của một quốc gia chứ đâu", ông Biden nhấn mạnh.

"Các bạn có nghĩ Trung Quốc phải chờ đợi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoặc vào nghiên cứu và phát triển hay không? Tôi dám cá là họ không bao giờ chờ đợi. Nhưng chắc chắn Trung Quốc đang mong nền dân chủ Mỹ sẽ ì ạch, chia rẽ, yếu kém và bị tụt lại phía sau", Tổng thống Biden tiếp lời.

Theo Bloomberg, ông Biden sẵn sàng đàm phán cùng các nhà lập pháp về chi tiết cụ thể của kế hoạch đầu tư 2.250 tỷ USD. Song ông không muốn nước Mỹ ngồi im chờ đợi và khẳng định sẽ không tăng thuế đối với những cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD/năm để trang trải chi phí.

Vị tổng thống của Đảng Dân chủ sẽ tiếp các nhà lập pháp tại Phòng Bầu dục để trao đổi quan điểm về đề xuất mới. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng đang chuẩn bị sẵn một quy trình điều chỉnh ngân sách có thể cho phép Đảng Dân chủ tự thông qua đề xuất này ở Thượng viện mà không cần sự hỗ trợ của Đảng Cộng hòa.

Ông Biden lưu ý rằng không có nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nào ủng hộ đạo luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ ban hành hồi giữa tháng 3, ngay cả khi ông đã liên hệ với một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa để gợi mở cơ hội đàm phán.

Hơn nữa, Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với một số bất đồng giữa các nhà lập pháp Đảng Dân chủ. Các nghị sỹ cấp tiến muốn kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phải lớn hơn, trong khi những người theo lập trường trung dung như Thượng nghị sĩ Joe Manchin lại phản đối ý tưởng tăng thuế suất doanh nghiệp lũy tiến cao nhất từ 21% lên 28%. Ông Manchin chỉ chấp nhận thuế suất tăng đến 25%.

Khả Nhân

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.