|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ bơm tiền như thác: Việt Nam được lợi, nhiều nước gặp khó

10:41 | 05/04/2021
Chia sẻ
Làn sóng phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ đang lan tỏa khắp thế giới, giúp triển vọng của những quốc gia có quan hệ chặt chẽ với kinh tế Mỹ như Việt Nam trở nên tươi sáng theo.
Mỹ bơm tiền như thác: Việt Nam được lợi, nhiều nước gặp khó - Ảnh 1.

Tượng trâu vàng mừng năm mới Tân Sửu tại Việt Nam. (Ảnh: Song Ngọc).

Nhiều quốc gia chịu tác động tiêu cực của các đợt phong tỏa và hạn chế phòng ngừa COVID-19 theo mức độ tương đương nhau, tuy nhiên, quá trình thoát khỏi đại dịch có thể có sự khác biệt rất lớn.

Các quốc gia giàu có và một số nền kinh tế thiên về xuất khẩu đang gặt hái thành quả ban đầu của chiến dịch tiêm chủng vắc xin thành công và tăng trưởng khởi sắc.

Trong khi đó, những nước nghèo lại chứng kiến dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang bị chảy ra và hướng đến nước giàu. Nước nghèo tiếp tục phải chờ đợi lâu để có được vắc xin và một số nước đang hứng chịu làn sóng COVID-19 mới, cắt đứt nguồn thu quan trọng từ du lịch, Wall Street Journal cho biết. 

Nhiều nước cùng Mỹ tiến lên

Nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984. Nếu thực tế diễn ra đúng như dự báo, quy mô của kinh tế Mỹ cuối năm nay sẽ lớn hơn cả dự báo được đưa ra trước đại dịch, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Chương trình tiêm chủng vắc xin đã giúp hoạt động kinh tế của Mỹ quay trở lại bình thường sớm hơn hầu hết các nước châu Âu và châu Á. Nhưng việc theo đuổi gói kích thích khổng lồ thứ hai mới là yếu tố có vai trò quyết định tới sự chênh lệch. Rất ít nước giàu có thể chi lớn như Mỹ và nước nghèo thì lại càng không thể.

Nền kinh tế Mỹ bùng nổ đang đẩy nhanh đà hồi phục của nhiều nền kinh tế khác, đặc biệt là các quốc gia bán hàng hóa cho người tiêu dùng Mỹ. Những nước như Việt Nam được hưởng lợi lớn. 

Theo ước tính của các công ty dịch vụ tài chính Allianz và Euler Hermex, tính riêng gói kích thích 1.900 tỷ USD đã thông qua của Mỹ cũng sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,4% trong hai năm tới, chỉ xếp sau Mexico. Tác động tích cực này đủ để bù đắp cho thiệt hại của ngành du lịch.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng: Việt Nam hưởng lợi lớn, nhiều nước nghèo chịu khổ - Ảnh 1.

Công nhân may tại một nhà máy ở Việt Nam. (Ảnh: Reuters).

Chỉ vài tuần sau khi đạo luật kích thích được thông qua, ông Biden lại công bố tiếp kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá trên 2.000 tỷ USD và bày tỏ ý định sẵn sàng thúc đẩy kế hoạch này mà không cần sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.

Theo thống kê của Cục Dân số Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ năm 2020 đạt 89,6 tỷ USD, tăng trưởng 15,6% so với năm 2019. Việt Nam cũng lọt vào top 10 bạn hàng thương mại lớn nhất của Mỹ, đứng trên nhiều nước lớn như Ấn Độ, Pháp, Brazil, ...

Trong đó, Việt Nam xuất siêu gần 70 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm trước.

Mỹ bơm tiền như thác: Việt Nam được lợi, nhiều nước gặp khó - Ảnh 3.

Ông Supan Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cho biết xuất khẩu của Thái Lan được dự báo sẽ tăng 3-5% trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu tới Mỹ tăng trưởng 10-11%, bù đắp cho sự suy giảm của thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Làn sóng phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ nâng đỡ rất nhiều con thuyền kinh tế nhưng không phải tất cả. Ví dụ, cú hích tới châu Âu có thể rất khiêm tốn. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng trung ương châu Âu ước tính gói kích thích của Mỹ sẽ nâng tăng trưởng của khu vực đồng euro từ 4% lên 4,1% trong năm nay và từ 4,1% lên 4,3% trong năm tiếp theo.

Khu vực đồng euro dự kiến sẽ sa lầy trong suy thoái kinh tế trong nhiều tháng tới, có nguy cơ để lại vết sẹo lâu dài trên thị trường việc làm hoặc đầu tư vốn.

Nhiều nước bị bỏ lại phía sau

Trong khi đó, các nước nghèo nhất thế giới có vẻ không có khả năng tiêm chủng cho phần lớn dân số trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm tới. Điều này sẽ khiến du lịch – ngành tạo ra việc làm và thúc đẩy nhiều nền kinh tế trong các năm gần đây – không thể phục hồi.

Ông Clayton Fletcher điều hành một công ty sắp xếp các chuyến đi và chỗ nghỉ cho người đi săn ở châu Âu. Năm 2020, ông kiếm sống bằng cách săn bắt động vật và bán thịt, đồng thời giảm giá cho thợ săn địa phương. Ông phải vay tiền ngân hàng để trả lương nhân viên.

Tháng 2/2021, ông đón đoàn khách quốc tế đầu tiên kể từ tháng 11/2019. Nhưng kể từ đầu năm đến nay, công ty của ông đã phải hủy 16 đoàn khách từ Mỹ, Canada và châu Âu. Biến thể virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện tại châu Phi đã khiến khách du lịch quốc tế sợ hãi.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng: Việt Nam hưởng lợi lớn, nhiều nước nghèo chịu khổ - Ảnh 3.

Một du khách tại sân bay vắng vẻ ở châu Phi. (Ảnh: Bloomberg).

Tháng trước, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ cho năm nay nhưng lại hạ dự báo đối với châu Phi. Kinh tế châu Phi dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ, khoảng cách này còn lớn hơn nếu tính theo bình quân đầu người.

Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nhận xét: "Trong đại dịch bất bình đẳng, các quốc gia nghèo hơn đang bị tụt hậu xa hơn".

Sức mạnh của sự phục hồi của Mỹ có thể làm cho những chênh lệch đó tồi tệ hơn nếu gói kích thích mới đẩy lạm phát lên cao và buộc Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Do vai trò lớn của đồng USD trong tài chính và thương mại toàn cầu, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với nhiều quốc gia.

Giang

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.