|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao Tổng thống Trump không có toàn quyền khởi động lại nền kinh tế Mỹ như ông tuyên bố?

09:50 | 14/04/2020
Chia sẻ
Vào ngày 13/4, khi nước Mỹ bước vào tuần thứ ba liên tiếp gần như ngừng mọi hoạt động kinh tế, Tổng thống Donald Trump đã sai lầm khi tuyên bố rằng ông có toàn quyền quyết định thời điểm hoạt động kinh doanh tại Mỹ sẽ mở cửa trở lại thay vì thống đốc từng tiểu bang.

Các chuyên gia pháp lí cho biết ông Trump đã sai. Trước tiên, họ lưu ý rằng luật pháp của nước Mỹ cho phép thống đốc các tiểu bang có nhiều quyền hạn nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân.

Thứ hai, các chuyên gia chỉ ra rằng ông Trump chưa bao giờ ban bố lệnh phong tỏa qui mô toàn quốc, do đó không có cơ chế nào mà ông có thể sử dụng nhằm ra lệnh mở cửa đất nước trở lại vào lúc này.

Tại sao tuyên bố 'tôi có toàn quyền khởi động lại nền kinh tế Mỹ' của Tổng thống Trump là sai? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg)

Tuyên bố quyền lực gây tranh cãi

Tuy nhiên, điều đó cũng không thể ngăn cản ông Trump tuyên bố rằng quyền lực của ông là gần như không có giới hạn. Trong buổi họp báo về đại dịch COVID-19 hôm 13/4, ông Trump nói: "Ai làm Tổng thống Mỹ thì người đó có toàn quyền".

Bình luận trên của ông Trump là nhằm phản hồi câu hỏi từ các phóng viên về một thông báo mà ông đưa ra trước đó một ngày.

Dẫn thông tin của báo giới về việc thống đốc có quyền quyết định khi nào "mở cửa các tiểu bang trở lại", ông Trump viết: "Không đúng. Đó là quyết định của Tổng thống Mỹ, và vì nhiều lí do chính đáng".

Ông Trump không nêu chi tiết về "nhiều lí do chính đáng" trong các bài đăng tiếp theo trên Twitter. Một phát ngôn viên Nhà Trắng hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC về ý nghĩa câu nói của ông Trump.

Khi được hỏi trong buổi họp báo về tuyên bố trên, ông Trump cũng không nêu chi tiết bất kì cơ sở pháp lí nào cho khẳng định quyền lực của bản thân.

Trên thực tế, thẩm quyền bảo vệ sức khỏe của công dân Mỹ thông qua yêu cầu đóng cửa tiểu bang và khuyến nghị người dân ở yên trong nhà trực tiếp thuộc về các thống đốc chứ không phải Tổng thống Mỹ.

"Chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương có quyền cảnh sát trị mạnh mẽ để bảo vệ công dân của họ và tôi không biết bất kì cách nào mà chính phủ liên bang có thể lạm quyền, can thiệp vào những gì các tiểu bang và thành phố này đang làm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng", ông William Buzbee - giáo sư tại Trường Luật, Đại học Georgtown, cho hay.

"Tôi không biết Tổng thống Trump có ý gì khi muốn 'mở cửa đất nước trở lại'", học giả pháp lí theo trường phái bảo thủ Josh Blackman chia sẻ với NBC News hôm 13/4.

"Ông Trump đưa ra một số tuyên bố nhất định về cơ sở hạ tầng quan trọng cùng một số hướng dẫn khác mà các bang thường tuân theo. Tuy nhiên, ông Trump không thể ra lệnh cho các thống đốc làm bất cứ điều gì.

Tôi không nghĩ ông Trump có thể rút tiền tài trợ từ các bang mà không có sự thông qua của Quốc hội Mỹ", ông Blackman lí giải.

Quyền lực nằm trong tay thống đốc từng tiểu bang

Trên thực tế, không cần nhìn đâu xa mà chỉ cần quan sát từng tiểu bang riêng lẻ để tìm bằng chứng cho thấy các thống đốc thực thi thẩm quyền nhằm ra lệnh phong tỏa như thế nào khi đại dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng.

Ba tuần trước, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh không thiết yếu và cấm cư dân rời khỏi nhà khi không cần thiết.

California là một trong các tiểu bang đầu tiên bị đại dịch tấn công và hiện nay đã có hơn 23.000 ca xác nhận nhiễm và hơn 680 ca tử vong.

Tuy nhiên, tại North Dakota, Thống đốc Doug Burgum đến từ Đảng Dân chủ chỉ đóng cửa trường học, nhà hàng, câu lạc bộ thể hình, rạp chiếu phim và salon làm đẹp. Tính đến ngày 13/4, cư dân trong bang không bị yêu cầu ở yên trong nhà.

Các lệnh hạn chế chắp vá của bang North Dakota đã thu hút sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế cộng đồng. Theo CNBC, các chuyên gia này cho rằng các lệnh hạn chế không hoàn chỉnh có thể lôi kéo cư dân từ các khu vực bị siết chặt hơn đến nơi lệnh hạn chế được nới lỏng hơn để tìm mua hàng hóa và dịch vụ.

Một số chuyên gia trong số này thậm chí còn kêu gọi ông Trump ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, một phản ứng được chính phủ nhiều nước trên thế giới áp dụng để cấm công dân ra khỏi nhà.

Tuy nhiên cho đến nay, cơ quan y tế cộng đồng chính của chính phủ liên bang - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chỉ mới công bố "hướng dẫn" cho từng cá nhân, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tổng thống Trump cũng không ngồi chơi

Tuy nhiên, các ví dụ trên không hàm ý rằng ông Trump chưa sử dụng quyền lực tổng thống để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế. Trên thực tế, ông Trump đã làm rồi.

Kể từ cuối tháng 1, ông Trump đã ban hành nhiều sắc luật liên quan đến COVID-19 và ông đã cho đóng cửa các tài sản liên bang như công viên quốc gia và Viện Smithsonian. Ngoài ra, ông Trump còn hạn chế du khách từ Trung Quốc và châu Âu nhập cảnh vào Mỹ.

Khi đại dịch lây lan trên khắp nước Mỹ vào mùa xuân năm nay, ông Trump cũng đã ban hành các tuyên bố thảm họa liên bang cho hàng chục tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch, cho phép các bang này tiếp cận tài trợ khẩn cấp từ chính quyền liên bang.

Ông Trump cũng kí ban hành gói cứu trợ hơn 2.000 tỉ USD cho các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các biện pháp kiểm soát đại dịch.

Sau khi ban đầu phản đối thì ông Trump cũng đã bị thuyết phục để viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng nhằm buộc các công ty Mỹ sản xuất thiết bị y tế đang rất cần kíp.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.