|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Suy giảm tài nguyên thiên nhiên (Degradation of Natural Resources) là gì? Nguyên nhân

12:29 | 05/01/2020
Chia sẻ
Suy giảm tài nguyên thiên nhiên (tiếng Anh: Degradation of Natural Resources) là sự suy giảm về số lượng hay/ và chất lượng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không thể hồi phục lại, giảm sức tải của môi trường.
Suy giảm tài nguyên thiên nhiên (Degradation of Natural Resources) là gì? Nguyên nhân - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: emaze)

Suy giảm tài nguyên thiên nhiên

Khái niệm

Suy giảm tài nguyên thiên nhiên trong tiếng Anh được gọi là Degradation of Natural Resources.

Suy giảm tài nguyên thiên nhiên có thể được định nghĩa là sự suy giảm về số lượng hay/ và chất lượng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không thể hồi phục lại, giảm sức tải của môi trường, gây ảnh hưởng không tốt tới sự sống trên Trái đất. 

Suy giảm tài nguyên thiên nhiên sẽ khiến môi trường mất đi một phần chức năng hỗ trợ sự sống và cung cấp nguồn lực của môi trường giảm sút, tạo nên những giới hạn cho sản xuất và tiêu dùng.

Phân biệt tài nguyên phục hồi được và không phục hồi được

Tài nguyên gồm hai nhóm, phục hồi được và không phục hồi được. 

- Những tài nguyên sinh vật là những tài nguyên có thể phục hồi được, như hải sản tôm cá, chúng lớn lên thông qua các quá trình sinh học trong một thời gian nhất định. 

- Những tài nguyên không phục hồi được là những tài nguyên một khi đã sử dụng là số lượng sẽ giảm dần, không có qui trình hay phương pháp nào hoàn trả lại, chẳng hạn như dầu mỏ và khoáng sản. 

Một số nguồn tài nguyên như các mạch nước ngầm có tốc độ hoàn đầy thấp nên cũng được coi như là không phục hồi được. Ngoài ra, gần đây người ta thừa nhận thêm một nguồn tài nguyên, đó là sự đa dạng sinh học.

Nguyên nhân suy giảm tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

- Nguyên nhân sâu xa là sự gia tăng dân số cùng với các hoạt động di chuyển, sống và lao động của con người.

- Các loại động vật bị tuyệt chủng và nguy cơ bị tuyệt chủng chủ yếu bởi nơi cư trú bị phá huỷ do cháy rừng và các hoạt động của con người như chiến tranh, phá rừng, chia cắt và cách li các khu sinh thái do các hoạt động xây dựng, công nghiệp, thuỷ điện, săn bắt và khai thác quá mức, buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường sống tự nhiên, sự biến đổi khí hậu.

Sự chia cắt các khu vực sinh thái khiến thay đổi môi trường sống của từng khu vực, làm tăng sự xâm nhập của các loài ngoại lai, dịch bệnh có thể lây lan, thậm trí lây sang người khi mức độ tiếp xúc gia tăng.

- Các loài sinh vật biến đổi gen được tạo ra để nâng cao năng suất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người, nhưng cũng có thể đem lại những rủi ro khi làm lan truyền các gen kháng kháng sinh, khiến các thế hệ mới khi nhiễm bệnh sẽ khó chữa. 

Các gen khiến một số loại quả biến đổi gen có hạt không thể nảy mầm để giữ bí quyết của một số nhà sản xuất có thể lan sang các loại cây trồng tự nhiên khác khiến chúng dễ tuyệt chủng hơn. 

- Các loại thực vật cũng có thể phát triển khó khăn khi đất bị thoái hoá, ô nhiễm, khô hạn và hoang mạc hoá.

Hiện trạng tại Việt Nam

Nước ta là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng trên thế giới. 

Tuy nhiên, do quản lí thiếu đồng bộ, công nghệ khai thác lạc hậu, nhất là việc khai thác, sử dụng nhiều nhóm tài nguyên chưa hợp lí… đang là những nguyên nhân dẫn đến lãng phí nguồn lực quốc gia, tài nguyên bị suy thoái, cạn kiệt, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Cụ thể: 

- Tài nguyên rừng đang bị thu hẹp theo từng ngày, diện tích rừng tự nhiên che phủ giảm dần do khai thác trái phép, đất rừng bị chuyển qua đất nông công nghiệp.

- Các loài sinh vật quí hiếm thì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao (Theo thống kê thì ở Việt Nam có khoảng 100 loài thực vật và gần 100 loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng).

- Tình trạng ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với tài nguyên nước của chúng ta và theo dự báo đến năm 2025, 2/3 người trên thế giới có thể sẽ phải sống trong những vùng thiếu nước trầm trọng.

- Tài nguyên khoáng sản đang dần cạn kiệt sau việc khai thác quá mức và sử dụng lãng phí. 

- Tài nguyên đất thì cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như đất nông nghiệp đang bị chuyển dần qua đất phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ, đất bị nhiễm mặn, bị sa mạc hóa ngày một tăng.

(Tài liệu tham khảo: Dân số, tài nguyên và môi trường trong phát triển bền vững, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2017. Báo điện tử Nhân dân. Mạng thông tin Bảo vệ Môi trường)

Diệu Nhi