|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 3/8 - 7/8: Chủ yếu xoay quanh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

07:17 | 03/08/2020
Chia sẻ
Theo tổng hợp từ Investing.com, nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối sẽ chờ đợi bản báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ để biết thêm thông tin về đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, gói cứu trợ kinh tế mới đang tiến thoái lưỡng nan tại Quốc hội Mỹ và cuộc họp chính sách của BoE cũng rất đáng chú ý.
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 3/8 - 7/8: Chủ yếu xoay quanh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMF Office

Giới phân tích đưa ra rất nhiều dự báo về bản báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ, tuy nhiên hầu hết đều cho rằng mức độ phục hồi trong hoạt động tuyển dụng đã chững lại đáng kể trong tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại hối cũng sẽ theo dõi nhất cử nhất động của Quốc hội Mỹ, mà chủ yếu là liên quan đến gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh các phúc lợi thất nghiệp gần nhất dành cho người lao động Mỹ đã hết hạn từ cuối tháng 7.

Cũng trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp lãi suất vào ngày 6/8, vì thế nhà đầu tư sẽ chờ đợi tín hiệu về hướng đi chính sách của BoE trong tương lai.

1. Báo cáo việc làm của Mỹ

Bộ Lao động Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 7 vào ngày 7/8. Theo đó, các nhà phân tích dự đoán thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đón nhận thêm 1,65 triệu việc làm mới, giảm đáng kể so với con số 4,8 triệu việc làm mới có được hồi tháng 6.

Báo cáo việc làm sắp công bố thu thập dữ liệu từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, tức là trước khi các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 được áp dụng trở lại ở một số bang vào nửa cuối tháng 7.

Các nhà phân tích tại ING cảnh báo, dù họ dự đoán số lượng việc làm mới sẽ tăng trong giai đoạn trên, mức tăng sẽ chỉ xấp xỉ 750.000 so với phần lớn dự đoán hiện nay.

Báo cáo việc làm tháng 7 được công bố một ngày sau số liệu hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần. Số liệu tuần trước đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp số hồ sơ xin nhận phúc lợi thất nghiệp tại Mỹ tăng mạnh, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến báo cáo việc làm tháng 8.

2. Quốc hội Mỹ bế tắc về gói kích thích mới

Nhà đầu tư sẽ để mắt đến thủ đô Washington, nơi Quốc hội Mỹ còn đang bế tắc về gói cứu trợ kinh tế mới. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 150.000 người Mỹ tử vong, đẩy hàng triệu người lao động vào cảnh thất nghiệp và khiến GDP của nền kinh tế Mỹ tụt dốc nghiêm trọng trong quí II.

Hôm 31/7, hàng chục triệu người dân Mỹ đã không còn được hưởng phúc lợi thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần sau khi Nhà Trắng và Quốc hội không thể đạt được thỏa thuận gia hạn chương trình này.

Đảng Dân chủ muốn duy trì chương trình trợ cấp thất nghiệp trên cho đến năm 2021 như một phần của gói cứu trợ mới, tuy nhiên Đảng Cộng hòa khẳng định chính sách đó khiến người lao động muốn ở nhà hơn là quay trở lại làm việc.

Đảng Cộng hòa đề xuất chỉ hỗ trợ thêm 200 USD/tuần cho người lao động cho đến khi xây dựng xong hệ thống mới chi trả 70% mức lương cũ cho người dân.

3. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm

Dữ liệu công bố hôm 30/7 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sốc 32,9% trong quí II so với cùng kì năm trước, khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn ba, 5 và 20 năm rơi xuống mức thấp kỉ lục. Toàn bộ đường cong lợi suất giảm xuống dưới mức 1%.

Một tác nhân khác có thể đẩy đường cong lợi suất giảm thêm có thể là số liệu thất nghiệp tháng 7, Investing.com dự đoán.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ liên quan đến việc liệu cuộc khủng hoảng y tế hiện tại có được kiểm soát hay không. Cụ thể, Fed thông báo: "Con đường phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch COVID-19".

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng cam kết tiếp tục sử dụng "toàn bộ dụng cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế và duy trì lãi suất gần mức 0 cho đến khi kinh tế phục hồi.

4. BoE sẽ giữ nguyên lãi suất

Tại cuộc họp chính sách hôm 6/8, BoE có thể chỉ ra quan điểm của ngân hàng trung ương (NHTW) này về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, BoE nhiều khả năng không thể thêm 100 tỉ bảng Anh kích thích tài khóa như đã công bố hồi tháng 6.

Thống đốc Andrew Bailey có thể sẽ được hỏi về lãi suất âm dù BoE là một trong các NHTW không muốn sử dụng lãi suất âm và các nhà phân tích cũng dự đoán BoE sẽ không điều chỉnh lãi suất cho đến cuối năm 2021.

Quá trình phục hồi kinh tế của Anh có thể sẽ kéo dài khá lâu và Anh vẫn cần đạt thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) trước khi giai đoạn chuyển giao hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12.

Khả Nhân