|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chấm dứt chương trình trợ cấp thất nghiệp sẽ tác động mạnh đến sự phục hồi mong manh của kinh tế Mỹ

04:00 | 02/08/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia kinh tế nhận định chương trình trợ cấp thất nghiệp hết hạn hôm 31/7 sẽ có tác động đáng kể đến sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh gần 30 triệu lao động thất nghiệp sẽ mất đi một nguồn tài chính quan trọng cho cuộc sống.

Chương trình này là một phần trong ngân sách cứu trợ COVID-19 trị giá 2.200 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3/2020, theo đó chính phủ sẽ cung cấp thêm 600 USD tiền trợ cấp thất nghiệp/người mỗi tuần, ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp của nhà nước.

Tuy vậy, chương trình hỗ trợ này đã chính thức hết hạn vào đêm ngày 31/7 khi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn đang "bế tắc" trong các cuộc đàm phán về dự luật hỗ trợ COVID-19 tiếp theo.

Trên trang Twitter cá nhân, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho hay đảng Cộng hòa đã thử một số cách để gia hạn chương trình trợ cấp thất nghiệp, nhưng đảng Dân chủ đã bác bỏ tất cả. Đáp lại, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đổ lỗi cho đảng Cộng hòa đã không hành động trong hơn 10 tuần.

Ngày 27/7, các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã công bố gói cứu trợ 1.000 tỷ USD, trong đó có đề xuất cắt giảm trợ cấp thất nghiệp liên bang từ 600 USD xuống còn 200 USD cho đến tháng 9/2020 và mỗi lao động thất nghiệp được nhận khoảng 70% tiền lương trước đây cộng với trợ cấp nhà nước. Tuy nhiên các nghị sỹ đảng Dân chủ lại muốn duy trì mức trợ cấp hiện nay cho đến tháng 1/2021.

Nhà kinh tế Mark Zandi thuộc Moody's Analytics cho hay, việc chấm dứt chương trình trợ cấp hoặc gia hạn chương trình này với mức hỗ trợ thấp hơn đều tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ. Trong một phân tích, ông Zandi nói rằng, nếu đề xuất cắt giảm trợ cấp xuống còn 200 USD/tuần của các nghị sỹ đảng Cộng hòa trở thành luật, gần 1 triệu việc làm sẽ bị "bốc hơi" vào cuối năm, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn 0,6 điểm phần trăm. "Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức hai chữ số và có thể tăng cao hơn nữa bất kể các nhà lập pháp có làm gì bây giờ đi nữa, thì điều này có vẻ là một lựa chọn chính sách tồi", ông nói.

Còn theo các nhà kinh tế thuộc Wells Fargo Securities, trong trường hợp không có trợ cấp thất nghiệp bổ sung mới, tổng thu nhập của hộ gia đình Mỹ sẽ mất gần 72 tỷ USD mỗi tháng và có thể ảnh hướng đến hoạt động chi tiêu tiêu dùng.

Trong một báo cáo, các nhà kinh tế Tim Quinlan, Sarah House và Shannon Seery của Wells Fargo Securities cho biết trong ba tháng qua, chi tiêu tiêu dùng trung bình ở mức 1.100 tỷ USD mỗi tháng. Giả sử tất cả thu nhập bị mất là để giảm tiêu dùng cá nhân, chi tiêu trong tháng 8/2020 có thể thấp hơn khoảng 78 tỷ USD, tương đương mức giảm 7%/tháng. Trước cuộc khủng hoảng hiện nay, mức giảm kỷ lục hàng tháng lớn nhất là 2,1% kể từ những năm 1950.

Do số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây đang bắt đầu ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 29/7 nói rằng "cần có thêm một số hỗ trợ chính sách".

Các cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke và Janet Yellen cũng đã thúc giục Quốc hội phê chuẩn dự luật cứu trợ COVID-19 tiếp theo và gia hạn chương trình trợ cấp thất nghiệp vì tốc độ phục hồi kinh tế Mỹ có thể chậm và không đồng đều.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/7 công bố số liệu cho thấy kinh tế Mỹ trong quý II/2020 đã giảm 33%, ghi dấu số liệu kém nhất kể từ năm 1947.

Minh Hằng