Sau thương vụ startup ruồi lính đen gọi vốn 30 triệu USD, cơ hội nào cho mảng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam?
Đầu tháng 5, Entobel - startup mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi từ côn trùng đã gọi vốn thành công 30 triệu USD, trong đó 25 triệu USD từ Quỹ Mekong Enterprise Fund IV và 5 triệu USD từ Dragon Capital.
Theo đó, Entobel được thành lập hai doanh nhân người Bỉ, Gaëtan Crielaard và Alex de Caters từ năm 2013 tại Việt Nam.
Doanh nghiệp này chuyên sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ côn trùng, đặc biệt là ruồi lính đen. Hiện, Entobel có ba sản phẩm chính là thức ăn chăn nuôi, dầu ăn cho động vật, và phân hữu cơ.
Startup này đã xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến côn trùng tại tỉnh Đồng Nai với công suất hàng năm lên tới 1.000 tấn bột thức ăn chăn nuôi.
Với tầm nhìn trở thành nhà sản xuất protein côn trùng lớn nhất trên thế giới, Entobel có kế hoạch mở rộng thêm nhiều nhà máy mới trong khu vực.
Nhìn từ thương vụ bạc tỷ của Entobel để thấy mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi từ côn trùng có sức hút như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh giá thức ăn nuôi tại Việt Nam liên tục leo thang, có tổng 14-15 đợt tăng kể từ cuối năm 2020 đến nay.
Đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhưng Việt Nam lại phụ thuộc 80 - 90% nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai nhận định ruồi lính đen (Hermetia illucens) được coi là loại siêu thực phẩm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Với lợi thế cung cấp lượng protein khổng lồ cùng với giá thành rẻ, ruồi lính đen thường được các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng thay thế đạm cá nhập khẩu. Ngoài ra, loài côn trùng này có thể tinh chế thành mỹ phẩm, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe…
Hiện nay, châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen trong sản xuất thức ăn chăn nuôi vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha.
Thực tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn thức ăn, môi trường và chi phí chăn nuôi tốt để phát triển loài côn trùng này.
Tại tỉnh Đồng Nai, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn lớn như C.P, Cargill cũng đang liên hệ nguồn sử dụng sản phẩm từ ruồi lính đen thay thế các thành phần protein khác trong thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc phát triển ruồi lính đen đang vướng phải nhiều vấn đề pháp lý vì chưa nằm trong danh mục vật nuôi của Việt Nam.
"Cuối năm 2021, Cục Chăn nuôi có văn bản lấy ý kiến địa phương về việc nuôi ruồi lính đen. Tôi cho rằng Bộ NN&PTNT nên làm nhanh vì nhiều nước khác đang phát triển ruồi lính đen rất hiệu quả.
Nếu ta chậm sẽ mất cơ hội, tụt hậu so với các nước phát triển, đồng thời mất suất đầu tư của các doanh nghiệp FDI", ông Sinh nói.
Tương tự như Đồng Nai, các doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An cũng đang thăm dò, đặt vấn đề sản xuất thức ăn chăn nuôi từ côn trùng, ruồi lính đen.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết: “Sở đã có văn bản đề nghị lên Bộ NN&PTNT về những quy định cụ thể trong nuôi ruồi lính đen, có được phép nuôi hay không, quản lý như thế nào?
Hiện, người dân đang nuôi rất nhiều, công tác quản lý không thể theo sau. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn sớm về vấn đề này”.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2021, Việt Nam sản xuất gần 22 triệu tấn thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, tăng 16% so với năm 2020.
Để sản xuất ra lượng thức ăn này, Việt Nam cần hơn 33 triệu tấn nguyên liệu, trong đó có khoảng 8,5 tấn đạm động vật (bột thịt xương, bột gia cầm, bột huyết, bột cá…).
Với sản lượng thủy sản đạt 8,7 triệu tấn/năm, ngành chế biến thủy sản nước ta cung cấp hơn 1 triệu tấn phụ phẩm.
Một phần trong phụ phẩm như bột cá, mỡ cá, dịch cá, bột đầu vỏ tôm… thường dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Các nguyên liệu này đã phần nào thay thế nguyên liệu nhập khẩu sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, song vẫn chưa thể chủ động hoàn toàn về mảng protein động vật.
Như vậy, dư địa cho mảng nguyên liệu protein cho thức ăn chăn nuôi vẫn còn rất lớn. Cục Chăn nuôi khuyến cáo phát triển sản xuất protein từ côn trùng, đặc biệt là ruồi lính đen để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu.
Nói về vấn đề đưa ruồi lính đen vào danh mục giống vật nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng việc thế giới và một số tỉnh, thành ở Việt Nam phát triển thành công ruồi lính đen là cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động của loài công trùng này với môi trường.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi nhanh chóng hoàn thiện những đánh giá để sớm công nhận ruồi lính đen, đưa vào sản xuất như một loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho chăn nuôi.