Sản lượng mía tiêu thụ, chế biến thấp nhất trong 19 vụ
Hiệp hội mía đường Việt nam (VSSA) cho biết niên vụ 2019-2020, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng (khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn so vói niên vụ trước), nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường, nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác, dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía vụ 2019-2020 là 182.599 ha, giảm 18,4% so với vụ năm 2018-2019.
Năng suất mía bình quân vụ 2019-2020 đạt 61,5 tấn/ha, giảm gần 2% so với vụ trước, dẫn tới sản lượng mía vụ 2019-2020 chỉ đạt hơn 11,2 triệu tấn, giảm 20% so với vụ 2018-2019.
Theo đó, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến trong vụ ép 2019- 2020 chỉ đạt hơn 7,66 triệu tấn mía.
Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999-2000), dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 29 nhà máy hoạt động trong vụ 2019-2020.
Nguyên nhân sụt giảm do các yếu tố chính như giá đường xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại, kéo theo giá mía xuống thấ.
"Dù các nhà máy đường đã cố gắng hết sức để kìm hãm đà tụt giảm giá mía, nhằm duy trì vùng nguyên liệu, nhưng không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác", VSSA cho hay.
Cũng theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, ở nhiều vùng, có rất nhiều diện tích mía gốc vụ 2019-2020 bị nông dân bỏ, không chăm sóc và thu hoạch, do lo ngại thu không đủ bù chi vì giá mua mía vụ 2018-2019 trước đó quá thấp, nên sản lượng mía thu hoạch thực tế thấp hơn nhiều so với dự kiến đầu vụ.
Bên cạnh đó, một số vùng bị hạn hán nghiêm trọng, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía.
Việc áp dụng, thực hiện Quy chuẩn (QCVN01-98:2012/BNNPTNT) tại các nhà máy tương đối nghiêm túc. Tuy vậy, vẫn còn một số nhà máy không áp dụng đánh giá chữ đường theo qui định trong Qui chuẩn để định giá mía trong mua bán với nông dân mà mua mía theo hình thức mua xô (có nơi còn mua khoán theo công đất).
Một số địa phương do thói quen sản xuất của người trồng mía, do giá nhân công cao nên trong quá trình thu hoạch người dân không làm sạch mía theo đúng qui định trong Qui chuẩn mà chấp nhận trừ % tạp chất cao, có nơi lên tới 8% hoặc 9%.
Một khó khăn lớn khác trong khâu tiêu thụ đường là giá đường sụt giảm năm 2020 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA, đồng thời dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn, VSSA cho hay.