|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Qui luật cầu (The law of demand) là gì?

13:38 | 17/09/2019
Chia sẻ
Qui luật cầu (tiếng Anh: The law of demand) thể hiện qui tắc về sự thay đổi của mức giá hàng hoá và lượng cầu về hàng hoá của người tiêu dùng.
XEdbPimHqm_1410817037807

Hình minh họa (Nguồn: haikudeck)

Qui luật cầu

Khái niệm

Qui luật cầu trong tiếng Anh gọi là: The law of demand.

Qui luật cầu: Nếu các điều kiện khác được giữ nguyên, không thay đổi, lượng cầu về một loại hàng hoá điển hình sẽ tăng lên khi mức giá của chính hàng hoá này hạ xuống và ngược lại. 

Ví dụ minh họa

Như số liệu ở bảng 1 cho thấy, khi giá thịt bò là 100 nghìn đồng 1 kg, lượng thịt bò mà những người tiêu dùng muốn mua trong khoảng thời gian chúng ta xem xét là 30.000 kg hay 30 tấn. 

Khi thịt bò trở nên rẻ đi, giá của nó hạ xuống còn 90 nghìn đồng 1 kg, lượng cầu về thịt bò sẽ tăng lên thành 35 tấn. Nếu giá thịt bò tiếp tục hạ, ví dụ như còn là 80, 70 nghìn đồng một kg, thì mức cầu về thịt bò cũng sẽ gia tăng tương ứng thành 40, 45 tấn. 

qui luật cầu 1

Bảng 1: Cầu về thịt bò của một người tiêu dùng

Có thể lí giải như thế nào về qui luật cầu này? Tại sao khi giá thịt bò hạ xuống thì lượng cầu về thịt bò lại tăng lên?  

Ở đây, chúng ta có thể đưa ra một sự giải thích đơn giản về qui luật này. Khi giá thịt bò hạ xuống, sẽ có hai hiệu ứng tác động đến người tiêu dùng. 

Thứ nhất, vì các điều kiện khác là giữ nguyên, tức giá cả các hàng hoá khác trong đó có các hàng hoá như thịt gà, thịt lợn, cá v.v … được coi là không đổi, nên sự kiện giá thịt bò hạ xuống đồng nghĩa với việc thịt bò trở nên rẻ đi một cách tương đối so với các loại thực phẩm khác. 

Người tiêu dùng sẽ có xu hướng thay thế một phần các thực phẩm khác, giờ đây đã trở nên đắt hơn một cách tương đối, bằng thịt bò. Điều này làm cho nhu cầu về thịt bò tăng lên. Hiệu ứng này gọi là hiệu ứng thay thế. 

Thứ hai, khi thu nhập danh nghĩa của người tiêu dùng không đổi, việc thịt bò rẻ đi làm cho thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng lên. Trở nên khá giả hơn, người tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng tiêu dùng nhiều thịt bò hơn. Hiệu ứng này gọi là hiệu ứng thu nhập. 

Trường hợp giá hàng hoá tăng lên cũng có thể giải thích tương tự.

Như vây, trừ những trường hợp ngoại lệ, sự thay đổi của giá cả hàng hoá làm cho lượng cầu về hàng hoá thay đổi theo hướng ngược lại. Sự vận động ngược chiều nhau của hai biến số này khiến hàm số cầu được coi là một hàm nghịch biến. 

Vì thế, nếu biểu diễn dưới dạng một hàm số tuyến tính, QD = aP + b, thì tham số a phải là một số âm. Về mặt đồ thị, qui luật cầu cho thấy đường cầu điển hình là một đường dốc xuống. Đây là đặc tính chung của đại đa số đường cầu.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Vi mô, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội)


Tuyết Nhi