|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Qui định nhập khẩu sản phẩm vào Nhật Bản

08:04 | 16/07/2020
Chia sẻ
Ngày 30/6, Hội nghị Giao thương trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản về hàng tiêu dùng đã được tổ chức lần đầu tiên với sự tham gia của gần 90 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Hội nghị xoay quanh các lĩnh vực hàng nông lâm thủy sản, hàng tiêu dùng, thiết bị y tế,...

Qui định nhập khẩu sản phẩm (bao gồm thực phẩm) vào Nhật Bản 

Đối với Nhật Bản, Việt Nam là một quốc gia đang rất được chú ý, do số người nhiễm COVID-19 là khá ít. Việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nơi có ít người nhiễm COVID-19, là chủ đề vô cùng được quan tâm tại Nhật Bản.

Khi hàng hóa đã tới Nhật Bản, đầu tiên chúng được bốc dỡ, sau đó là thực hiện thủ tục cần thiết về kiểm dịch động thực vật (Kiểm dịch động vật với động vật, kiểm dịch thực vật). Việc kiểm dịch này do Bộ Nông lâm thủy sản phụ trách.

Tiếp theo là nộp Báo cáo nhập khẩu thực phẩm (bao gồm cả động vật, thực vật, thực phẩm đã chế biến) cho Trạm kiểm dịch thực phẩm do Bộ Y tế, lao động, phúc lợi xã hội phụ trách. 

Những sản phẩm sau khi được kiểm dịch động thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì thì sẽ được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. 

Ở bước thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ trả thuế đối với những hàng hóa cần đóng thuế nhập khẩu (Thông thường sẽ bao gồm cả thuế tiêu thụ). 

Sau đó, Giấy phép nhập khẩu được cấp và giao dịch đối với hàng hóa có thể được thực hiện.

Qui định nhập khẩu sản phẩm vào Nhật Bản - Ảnh 1.

Thịt gà của Nga nhập khẩu vào Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei)

Những điểm cần chú ý khi thông quan

Thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm (Cốc hay đồ thủy tinh đựng thực phẩm), bao bì (đóng gói thực phẩm) phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm. 

Đối với sản phẩm dệt may, nếu không biết mã HS thì rất mất thời gian thông quan. Vì vậy, khi xuất khẩu sản phẩm dệt may, quí vị cần thông báo cho Nhà nhập khẩu đối tác về nguyên vật liệu và cách thức dệt may.

Với xà phòng, mĩ phẩm hay dược phẩm thì áp dụng Luật Dược phẩm, thiết bị y tế nên mức độ khó nhập khẩu (So với các sản phẩm khác) sẽ tăng lên.

Với sản phẩm liên quan tới Công ước Washington (Khoảng 35 nghìn sản phẩm), sản phẩm ghi trong Công ước Washington thì không được nhập khẩu nếu không có các chứng nhận.

Sản phẩm có liên quan tới nhân vật biểu tượng, nhãn hiệu, tác quyền thì cần phải xác nhận trước và rõ ràng với Nhà nhập khẩu, do có thể có trường hợp nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ độc quyền tại Nhật Bản.

Đồ chơi cho trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng của Luật Vệ sinh thực phẩm nên cần thực hiện các thủ tục liên quan.

Nếu đã có Chứng nhận xuất xứ hàng hóa, có trường hợp thuế nhập khẩu tại Nhật Bản sẽ giảm đi.

Ngoài ra còn phải biết mã HS EPA (EPA kí kết giữa Nhật Bản với ASEAN, EPA kí kết giữa Nhật Bản với Việt Nam), đồng thời phải biết rằng tùy thuộc vào Chứng nhận xuất xứ hay EPA mà có thể không mất thuế hay thuế sẽ giảm đi.  

Kiểm dịch thực vật

Khi làm thủ tục kiểm dịch thực vật cần có Chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate). Nội dung đó sẽ được kiểm tra để xác nhận xem đó có phải là sản phẩm cấm nhập khẩu hay không. 

Kiểm dịch động vật

Kiểm dịch động vật được thực hiện với mục đích phòng chống bệnh truyền nhiễm từ gia súc, gia cầm. Bò và lợn, cừu và gà, ong mật, sản phẩm chế biến từ những động vật này là đối tượng kiểm dịch.

Trứng hay sữa bò, giăm bông hay xúc xích cũng là đối tượng kiểm dịch động vật.

Tùy thuộc vào quốc gia mà giăm bông chế biến từ lợn có thể không được nhập khẩu vào Nhật Bản.

Khi xuất khẩu vào Nhật Bản cũng cần cả Chứng nhận kiểm dịch do Chính phủ Việt Nam ban hành. Tại Nhật Bản, việc nhập khẩu từ các quốc gia có dịch chân tay miệng hay ASF, CSF, cúm gà bị cấm.

Những giấy tờ cần thiết cho kiểm dịch thực phẩm

Chứng nhận vệ sinh thực phẩm là cần thiết cho kiểm dịch thực vật hay kiểm dịch động vật; tuy nhiên, với kiểm dịch thực phẩm, trước hết cần nộp Báo cáo nhập khẩu thực phẩm tới Trạm kiểm dịch thực phẩm do Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội quản lí.

Ở bước này, Nhà nhập khẩu phải nộp Bảng thành phần và tỉ lệ (Tỉ lệ phụ gia dùng trong thực phẩm đã chế biến,...) và Bảng công đoạn chế biến (Lưu đồ sản xuất, chế biến).

Có trường hợp chỉ cần thẩm định nội dung giấy tờ tại Trạm kiểm dịch thực phẩm và có trường hợp phải kiểm tra thực tế thực phẩm. Trong nhiều trường hợp, Nhà nhập khẩu lần đầu tiên nhập khẩu thực phẩm sẽ phải thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế thực phẩm.

Trạm kiểm dịch thực phẩm sẽ kiểm tra, xác nhận về những phụ gia không được phép sử dụng tại Nhật Bản hay tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Ghi nhãn thực phẩm 

Ghi nhãn thực phẩm là cần thiết cho giai đoạn bán hàng. Việc ghi nhãn thực phẩm tại Nhật Bản dựa theo Luật Ghi nhãn thực phẩm và do Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng qui định. 

Toàn bộ thực phẩm được bán tại Nhật Bản đều phải được ghi nhãn bằng tiếng Nhật. Tên thực phẩm, nguyên vật liệu, khối lượng tịnh, tên Nhà nhập khẩu, hạn sử dụng,... đều cần được hiển thị bằng tiếng Nhật.  

Trường hợp sử dụng nguyên vật liệu có chứa chất gây dị ứng được qui định (Hiện nay có 27 loại như: lạc, cua, tôm,...) thì những thông tin ấy phải hiển thị trên nhãn.

Việc hiển thị thành phần dinh dưỡng cũng đã trở thành nghĩa vụ.

Trong ba loại thực phẩm chức năng là: thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm tăng cường sức khỏe được qui định, thực phẩm tăng cường chức năng thì việc hiển thị đối với thực phẩm bổ sung dinh dưỡng không cần nộp Báo cáo.

Thực phẩm tăng cường sức khỏe được qui định cần được cấp phép, thực phẩm tăng cường chức năng cần được Báo cáo và công nhận bởi Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng.  

Ghi nhãn đối với khẩu trang

Trong bối cảnh gia tăng số người nhiễm COVID-19, Nhật Bản hiện đang nhập rất nhiều khẩu trang từ nước ngoài. 

Hầu như tất cả đều không có vấn đề gì xảy ra ở thời điểm thông quan. Tuy nhiên, tới giai đoạn bán hàng thì khá nhiều vấn đề liên quan tới ghi nhãn đã xảy ra.

Một ví dụ thường thấy là những nhãn ghi “Khẩu trang kháng virus”, “Khẩu trang kháng khuẩn”, hoặc “Loại bỏ phấn hoa, bụi, hanh khô, giọt bắn trong không khí”. Cần hết sức chú ý đối với những hiển thị này.

Đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm, tuy nhiên tại Nhật Bản hiện nay chưa có qui định rõ ràng về ghi nhãn trên khẩu trang. Việc định nghĩa đó là sản phẩm hay thiết bị y tế cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần thảo luận chi tiết với Nhà nhập khẩu đáng tin cậy về ghi nhãn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phùng Nguyệt