Quản lí Nhà nước về thương nghiệp bán lẻ là gì? Ý nghĩa
Hình minh hoạ (Nguồn: happyfinish)
Quản lí Nhà nước về thương nghiệp bán lẻ
Khái niệm
Quản lí Nhà nước về thương nghiệp bán lẻ tạm dịch sang tiếng Anh là State management on retail trade.
Quản lí Nhà nước là sự tác động của các chủ thể mang tính quyền lực Nhà nước, bằng nhiều biện pháp, tới các đối tượng quản lí nhằm thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước trên cở pháp luật.
Quản lí nhà nước về thương mại dịch vụ nói chung và thương nghiệp bán lẻ nói riêng là quá trình thực hiện và phối hợp các chức năng hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các hoạt động thương mại dịch vụ trên thị trường trong sự tác động của hệ thống quản lí đến hệ thống bị quản lí nhằm đạt mục tiêu thông qua việc sử dụng các công cụ và chính sách quản lí.
Quản lí thương nghiệp bán lẻ là một quá trình thực hiện phối hợp bốn loại chức năng: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát.
Sự cần thiết khách quan của quản lí nhà nước về thương nghiệp bán lẻ
- Quản lí nhà nước về thương nghiệp bán lẻ trong nền kinh tế thị trường là cần thiết khách quan
Một mặt do những khuyết tật và hạn chế của cơ chế thị trường gây nên, mặt khác, do nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, thể hiện ở việc định hướng phát triển kinh tế xã hội nói chung, cũng như thương nghiệp bán lẻ nói riêng trong từng thời kì.
Nhà nước cần điều tiết, can thiệp vào kinh tế và thị trường, vào các quan hệ thương mại dịch vụ nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường và giá cả, cải thiện cán cân thanh toán...
- Để giải quyết các mâu thuẫn trong nền kinh tế thị trường, duy trì sự ổn định thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, thực tiễn đã chỉ ra rằng bản thân cơ chế thị trường không thể tự điều chỉnh trong mọi trường hợp, mà cần thiết phải có vai trò quản lí của Nhà nước về kinh tế, thương mại, thương mại dịch vụ.
- Quản lí nhà nước về thương nghiệp bán lẻ tạo ra sự thống nhất trong tổ chức và phối hợp các hoạt động của cơ quan quản lí nhà nước về thương nghiệp bán lẻ mới giúp cho lưu thông dịch vụ thông suốt trong phạm vi thị trường nội địa.
Và mở rộng trao đổi dịch vụ giữa các địa phương, vừa khai thác thế mạnh của từng vùng, vừa phát huy lợi thế so sánh của quốc gia trong phát triển thương mại quốc tế.
Nội dung quản lí nhà nước về thương nghiệp bán lẻ
Nhà nước thống nhất quản lí thương nghiệp bán lẻ bằng pháp luật, chính sách, chiến lược, qui hoạch và kế hoạch phát triển mạng lưới thương nghiệp bán lẻ.
Nhà nước điều tiết hoạt động thương nghiệp bán lẻ chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế, tài chính, tín dụng.
Nội dung quản lí nhà nước về thương nghiệp bán lẻ bao gồm:
1. Ban hành các văn bản pháp luật về thương nghiệp bán lẻ, xây dựng chính sách, qui hoạch, kế hoạch phát triển thương nghiệp bán lẻ.
Kí kết tham gia và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về thương mại dịch vụ nói chung; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ nói riêng.
2. Tổ chức đăng kí kinh doanh bán lẻ. Cấp, đình chỉ, gia hạn, sửa đổi thu hồi hoặc huỷ bỏ các chứng chỉ, bằng, giấy phép và các giấy tờ liên quan đến hoạt động bán lẻ.
3. Tổ chức thu thập, xử lí, cung cấp thông tin, dự báo và định hướng về thị trường trong nước và ngoài nước. Tổ chức, hướng dẫn các hoạt động xúc tiến bán lẻ.
4. Tổ chức và quản lí công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thương nghiệp bán lẻ; bảo vệ môi trường trong hoạt động bán lẻ.
5. Quản lí việc đào tạo, tuyển chọn và phát triển nhân lực ngành bán lẻ.
6. Đại diện và quản lí hoạt động thương nghiệp bán lẻ của VIệt Nam ở nước ngoài.
7. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, qui hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động bán lẻ và việc chấp hành pháp luật về thương nghiệp bán lẻ; xử lí vi phạm pháp luật về thương nghiệp bán lẻ; xử lí các hoạt động kinh doanh trái phép và các hành vi khác vi phạm pháp luật về thương nghiệp bán lẻ.
(Tài liệu tham khảo: Vai trò quản lí nhà nước đối với mạng lưới thương nghiệp bán lẻ, ĐH Duy Tân)