|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp khung logic (Logical Framework Approach - LFA) trong xây dựng kế hoạch là gì?

09:36 | 17/12/2019
Chia sẻ
Phương pháp khung logic (tiếng Anh: Logical Framework Approach - LFA) trong xây dựng kế hoạch bao gồm một tập hợp các bước và các "công cụ" xây dựng kế hoạch.
banner-lsat-logical-reasoning

Hình minh hoạ (Nguồn: velocitylsat)

Phương pháp khung logic trong xây dựng kế hoạch

Khái niệm

Phương pháp khung logic trong tiếng Anh được gọi là Logical Framework Approach - LFA.

Phương pháp khung logic được hình thành chủ yếu dựa trên phương pháp quản theo mục tiêu (MBO). 

Phương pháp khung logic bao gồm một tập hợp các bước và các "công cụ" xây dựng kế hoạch. Việc áp dụng các bước và các công cụ giúp nhận thức đầy đủ và toàn diện vấn đề, từ đó đề ra được các phương án và giải pháp để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả.

Do những ưu điểm của nó, khung logic được vận dụng rộng rãi trong công tác lập kế hoạch cả ở tầm chiến lược cũng như cấp độ tác nghiệp trong các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan hỗ trợ phát triển và các cơ quan hành chính nhà nước.

Cấu trúc và các thành phần

Một bản kế hoạch, được xây dựng theo phương pháp khung logic, tuỳ theo qui mô và phạm vi, có thể bao gồm một số hoặc tất cả các thành phần như sau:

- Mục tiêu dài hạn (còn được gọi là mục tiêu phát triển): là những lợi ích dài hạn do kế hoạch đem lại. Nói cách khác, đó là những tác động do những kết quả của kế hoạch đem lại sau khi kế hoạch kết thúc.

- Mục tiêu trung hạn hay mục tiêu trực tiếp: là những lợi ích mà kế hoạch đem lại từ việc hoàn thành các đầu ra và hoạt động/nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch.

- Các đầu ra: là những sản phẩm, kết quả công việc mà kế hoạch tạo ra thông qua việc hoàn thành các hoạt động hay các nhiệm vụ đã được xác định.

- Các hoạt động: là tất cả các công việc hay các nhiệm vụ được thực hiện để hoàn thành các đầu ra đã được xác định.

- Các yếu tố đầu vào: là các nguồn lực cần thiết để thực hiện các hoạt động hay các nhiệm vụ của kế hoạch, bao gồm nguồn nhân lực, chuyên gia, tài chính, thông tin, nguyên vật liệu, trang thiết bị,...

- Các chỉ số thực hiện (performance indicators): là các thông tin định lượng hoặc định tính chứng tỏ các hoạt động, nhiệm vụ, các kết quả hay các mục tiêu đã được hoàn thành so với hiện trạng hay so với các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch.

- Các phương tiện xác minh (hay sản phẩm): là các tài liệu, văn bản làm bằng chứng chứng tỏ hoạt động hay kết quả đã hoàn thành.

- Các điều kiện thực hiện: là các điều kiện bên ngoài mà không nằm trong sự kiểm soát của kế hoạch. Chúng cần được đánh giá và được tính đến để đảm bảo không cản trở hay ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch.

Các yêu cầu xây dựng kế hoạch theo khung logic

- Logic: trong bản kế hoạch theo khung logic, các thành tố phải đảm bảo các mối quan hệ logic với nhau, theo đó:

+ Các hoạt động được lên kế hoạch phải phục vụ cho việc đạt được các kết quả đầu ra. Tương tự như vậy, các kết quả đầu ra phải là tiền để để đạt các mục tiêu trực tiếp và lâu dài.

+ Các nguồn lực phải được dự tính phù hợp cho thực hiện các hoạt động.

+ Các chỉ số thực hiện phải phản ảnh rõ các kết quả đạt được để phục vụ công tác theo dõi và đánh giá.

+ Các tài liệu kiểm chứng (các sản phẩm) phải được xác định cụ thể làm chứng cứ chứng minh sự hoàn thành các hoạt động hay kết quả.

+ Các giả định hay các điều kiện thực hiện phải được tiên lượng sát thực tế để có thể giúp giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện kế hoạch.

- Cụ thể: trong một bản kế hoạch, các nội dung phải được thể hiện cụ thể và chính xác. Để xây dựng các nội dung của kế hoạch một cách cụ thể, cần phải trả lời sáu câu hỏi sau:

+ Cái gì: Chúng ta mong muốn đạt được những gì qua thực hiện kế hoạch. Phải làm những gì để đạt được mong muốn đó.

+ Tại sao: Những lợi ích, do cụ thể để thực hiện các mong muốn của kế hoạch.

+ Ai: Các đối tượng, đối tác tham gia, hợp tác, phối hợp trong các hoạt động, nhiệm vụ của kế hoạch.

+ Ở đâu: Phạm vi, địa bàn thực hiện kế hoạch.

+ Khi nào: Khuôn khổ thời gian phải thực hiện/hoàn thành từng công việc/nhiệm vụ trong kế hoạch.

+ Thế nào: Cách thức thực hiện, những yêu cầu, những hạn chế trong thực hiện các công việc/nhiệm vụ.

- Có thể đo lường được: xây dựng được một hệ thống các tiêu chí chính xác để đo lường các kết quả công việc và mục tiêu đã định là yêu cầu tối cần thiết trong xây dựng kế hoạch. 

Các tiêu chí này được sử dụng làm cơ sở để theo dõi và đánh giá việc thực hiện kế hoạch, đồng thời đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận trong thực hiện kế hoạch.

- Khả thi: một kế hoạch tốt là một kế hoạch trong đó các mục tiêu, các công việc và các chỉ tiêu kết quả phải đảm bảo tính khả thi, tức là chúng phải thể hiện được tính khách quan với khả năng có thể thực hiện/có thể đạt được trong thực tế.

- Có đủ nguồn lực: một kế hoạch dù được xây dựng tốt phải có đủ nguồn lực phân bổ cho thực hiện các công việc/hoạt động. 

Nguồn lực quan trọng nhất ở đây bao gồm: ngân sách cho các công việc/hoạt động, các chuyên gia, các giảng viên ... Các nguồn lực này phải được cam kết và phân bổ đầy đủ và đúng hạn theo tiến trình thực hiện.

- Có hạn định thời gian: các kết quả, các nhiệm vụ và công việc và các chỉ tiêu trong kế hoạch phải được xác định trong một giai đoạn/khuôn khổ thời gian cụ thể và rõ ràng để hoàn thành. 

Các khuôn khổ thời gian này cũng chính là các mốc thời gian để kiểm điểm hay đánh giá mức độ hoàn thành kết quả công việc.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu bồi dưỡng công chức thực hiện công tác cải cách hành chính cấp tỉnh, Bộ Nội vụ)

Diệu Nhi