|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tích thực chứng (Positive Analysis) là gì?

12:33 | 19/08/2019
Chia sẻ
Phân tích thực chứng (tiếng Anh: Positive Analysis) là cách phân tích trong đó người ta cố gắng lí giải khách quan về bản thân các vấn đề hay sự kiện kinh tế.
image-solution-static-analysis-body1

Hình minh họa. Nguồn: Perforce

Phân tích thực chứng (Postitive Analysis)

Định nghĩa

Phân tích thực chứng trong tiếng Anh là Positive Analysis. Phân tích thực chứng là cách phân tích trong đó người ta cố gắng lí giải khách quan về bản thân các vấn đề hay sự kiện kinh tế.

Ý nghĩa

Phân tích thực chứng có khuynh hướng tìm kiếm cách mô tả khách quan về các sự kiện hay quá trình trong đời sống kinh tế. Động cơ của phép phân tích thực chứng là cắt nghĩa, lí giải và dự đoán về các quá trình hay sự kiện kinh tế này. 

Câu hỏi trung tâm ở đây là: như thế nào? Việc xây dựng các lí thuyết kinh tế thực chứng khác nhau chính nhằm đưa ra những công cụ tư duy để có thể thực hiện dễ dàng hơn những phân tích này. 

Ví dụ

Khi giá dầu mỏ liên tục gia tăng trên thị trường thế giới, nhà kinh tế học thực chứng (người áp dụng phương pháp phân tích thực chứng) sẽ cố gắng thu thập, kiểm định số liệu nhằm mô tả và lí giải: 

Xu hướng tăng giá của dầu mỏ diễn ra như thế nào? 

Những động lực kinh tế nào nằm đằng sau chi phối sự kiện trên (sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu về dầu mỏ của các nước trên thế giới? Hay sự khó khăn trong việc tăng mức cung về dầu mỏ do không tìm ra những mỏ dầu mới hay những bất ổn ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Irắc, nơi cung cấp dầu mỏ chính cho thế giới?).

Người ta cũng có thể dự đoán hậu quả của việc tăng giá dầu đối với nền kinh tế thế giới hay đối với một quốc gia cụ thể nào đó (vì sự kiện này, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thế giới hay của một nước nào đó giảm đi bao nhiêu phần trăm?). 

Người ta cũng có thể phỏng đoán các phản ứng chính sách khác nhau của các chính phủ và hậu quả có thể của các chính sách này.

Liên hệ thực tiễn

Một kết luận của phép phân tích thực chứng chỉ được thừa nhận là đúng đắn nếu nó được kiểm nghiệm và xác nhận bởi chính các sự kiện thực tế. 

Mặc dù muốn lí giải khách quan về các hiện tượng kinh tế, do hạn chế chủ quan hoặc vì các lí do khác, nhà kinh tế học thực chứng vẫn có thể đưa ra những nhận định sai lầm.

Người ta vẫn có thể đưa ra những kết luận khác nhau về cùng một vấn đề và trong lúc chúng chưa được thực tế xác nhận hay bác bỏ, các nhà kinh tế có thể bất đồng với nhau.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vi mô, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)

Minh Lan