Kinh tế hỗn hợp (Mixed Economy) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: misesuk.org
Kinh tế hỗn hợp (Mixed Economy)
Định nghĩa
Kinh tế hỗn hợp trong tiếng Anh gọi là Mixed Economy. Kinh tế hỗn hợp là một nền kinh tế trong đó cả thị trường và nhà nước, trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau đều đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế cơ bản của xã hội.
Thuật ngữ liên quan
Vấn đề kinh tế cơ bản (tiếng Anh: Basic Economic Problems) mà mọi xã hội đều phải giải quyết đó là: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? và Sản xuất cho ai?
Đặc trưng
- Thị trường là nhân tố chủ yếu chi phối, dẫn dắt các quyết định kinh tế của hàng triệu người sản xuất và tiêu dùng.
- Tuy nhiên, nhà nước cũng tham gia tích cực và có vai trò quan trọng trong việc xử lí nhiều vấn đề kinh tế của xã hội.
Liên hệ thực tiễn
- Trong nền kinh tế hỗn hợp, các hàng hoá như lương thực, quần áo, ô tô và nhiều thứ khác vẫn được sản xuất, phân phối và trao đổi theo những tín hiệu thị trường, trên cơ sở mối quan hệ giao dịch tự nguyện giữa những người mua và người bán trên các thị trường cụ thể.
- Tuy nhiên, vì những lí do khác nhau, nhà nước vẫn tham gia trực tiếp vào việc sản xuất một số mặt hàng (như quốc phòng, điện, nước sạch…) hay gián tiếp ảnh hưởng đến việc sản xuất các hàng hoá của khu vực tư nhân (nhà nước có thể cấm đoán việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng như ma tuý; hạn chế việc kinh doanh một số mặt hàng như thuốc lá, bia, rượu; khuyến khích việc cung ứng, tiêu dùng một số mặt hàng như sách giáo khoa cho học sinh, muối i-ốt, nước sạch…).
- Nhà nước tác động đến hành vi của những người sản xuất và tiêu dùng thông qua nhiều công cụ như pháp luật, thuế khoá, các khoản trợ cấp v.v… Chống độc quyền hay các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ môi trường, ổn định hoá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phân phối lại thu nhập để theo đuổi những mục tiêu công bằng nhất định v.v… là những mối quan tâm khác nhau của các nhà nước trong nền kinh tế hỗn hợp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vi mô, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)