Phân tích cân bằng cục bộ (Partial equilibrium analysis) là gì?
Phân tích cân bằng cục bộ (Partial equilibrium analysis)
Định nghĩa
Phân tích cân bằng cục bộ hay phân tích cân bằng riêng trong tiếng Anh là Partial equilibrium analysis.
Phân tích cân bằng cục bộ là phương pháp phân tích các mối quan hệ trong nội bộ một phân hệ của nền kinh tế, chẳng hạn một thị trường cá biệt.
Cách tiếp cận:
Quá trình phân tích cân bằng cục bộ được tiến hành trên cơ sở giả định rằng các biến cố trong phân hệ nghiên cứu không có ảnh hưởng đáng kể tới các khu vực khác, do hiệu ứng hồi tiếp từ các ngành khác cũng không đáng kể hay không tồn tại.
Chẳng hạn, sự gia tăng giá cà rốt hầu như không gây ra ảnh hưởng đáng kể tới mức giá chung, vì vậy chúng ta có thể bỏ qua hiệu ứng hồi tiếp khi phân tích thị trường cà rốt. Như vậy, trong phân tích cân bằng riêng hay cục bộ, mỗi phân hệ được coi là một thực thể độc lâp.
Thuật ngữ liên quan
Phân tích cân bằng tổng quát hay phân tích cân bằng chung trong tiếng Anh là General equilibrium analysis.
Phân tích cân bằng tổng quát là phương pháp phân tích mối quan hệ giữa các ngành của nền kinh tế.
Phân tích cân bằng tổng quát được tiến hành trên cơ sở giả định các sự kiện xảy ra trong một ngành có thể tác động tới những ngành khác và những ngành khác đến lượt chúng lại tác động trở lại phương thức hoạt động, chức năng của ngành này.
Phương pháp phân tích cần bằng tổng quát có thể được minh họa thông qua ví dụ như sau:
Giải thích: Khi giá dầu tăng, chi phí của nhiều ngành công nghiệp khác tăng theo, vì thế mức giá chung và tiền lương ở các khu vực có liên quan cũng tăng. Ngược lại, việc mức giá và tiền lương tăng sẽ làm cho giá đầu vào của ngành công nghiệp dầu khí tăng.
Chính vì thế trong phân tích cân bằng chung, người ta thường cố gắng xác định bản chất và cường độ của các mối quan hệ liên ngành. Phương pháp phân tích đầu vào - đầu ra được vận dụng để đạt được mục tiêu này.
(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)