|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Phần 3] Cuộc chiến mà hai bên đều thua

19:30 | 21/09/2018
Chia sẻ
Sự lưu thông của các tàu hàng, vốn được xem là thước đo của thương mại toàn cầu, cũng đang bắt đầu dịch chuyển do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
phan 3 cuoc chien ma hai ben deu thua CNBC: Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn từ cuộc chiến thuế quan
phan 3 cuoc chien ma hai ben deu thua Những hệ lụy nặng nề của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến mà cả hai bên đều thua

Cosco Shipping Holdings, công ty vận tải biển lớn thứ ba thế giới, đã hủy một tuyến vận tải kết nối Trung Quốc với Mỹ hồi tháng 8 “sau khi cân nhắc tổng lợi nhuận của tuyến vận tải đến Mỹ”, ông Wang Haimin – tổng quản lý Cosco Shipping gần đây cho biết. Ông Wang nói thêm, “khoảng 10% lượng hàng hóa sẽ bị tác động” bởi thuế quan 25% dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Còn đối với hãng Sinotrans Shipping, công ty khai thác các tuyến vận tải biển kết nối Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và châu Âu, tác động của cuộc chiến thương mại không quá nghiêm trọng như với Cosco. Mặc dù vậy, ông Su Xingang - Chủ tịch Sinotrans Shipping, nói với báo giới rằng ông thận trọng với diễn biến leo thang của cuộc chiến và đang theo dõi sát sao tình hình.

“Nếu tác động của nó ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và khiến tăng trưởng đi xuống, điều đó chắc chắn cũng sẽ có tác động đáng kể lên ngành vận tải. Ngành công nghiệp của chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại. Chiến tranh thương mại là trường hợp mà cả hai bên đều thua”, ông Su nói.

Ông Madhavi Bokil – phó chủ tịch và chuyên gia phân tích cao cấp tại Moody's Investors Service, cho biết nền kinh tế thế giới sẽ không thật sự cảm thấy tác động của chiến tranh thương mại cho đến năm sau. Ông Bokil nói thêm, khả năng căng thẳng thương mại có thể làm chệnh hướng tăng trưởng toàn cầu hiện “cao hơn so với vài tháng trước”.

Nông sản - một “mặt trận” lớn khác trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - cũng đang tạo ra cả người thắng và kẻ thua tại châu Á. Olam International, công ty nông nghiệp có trụ sở tại Singapore, chứng kiến hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các lô hàng đậu nành từ Brazil xuất sang Trung Quốc tăng đáng kể sau khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu lên đậu nành Mỹ.

Olam International cũng tăng xuất khẩu hạnh nhân từ Australia sang Trung Quốc lên mức cao nhất trong nửa đầu năm nay, Giám đốc điều hành Sunny Verghese hồi tháng 8 cho biết. Bắc Kinh đánh thuế nhập khẩu lên hạnh nhân Mỹ, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đối với loại nông sản này.

Olam International rất tích cực thu mua đậu nành từ Brazil kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, vì thế công ty “có thể tận dụng một số cơ hội để vốn hóa” nhằm tăng khối lượng nhanh chóng, Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính N. Muthukumar cho biết.

Tuy nhiên, các công ty thực phẩm toàn cầu lại đang đối mặt nhiều bất ổn, trong đó có WH Group, chủ sở hữu Smithfield và Shuanghui – lần lượt là nhà sản xuất thịt heo lớn nhất tại Mỹ và Trung Quốc.

phan 3 cuoc chien ma hai ben deu thua
Thuế quan áp lên nông sản Mỹ khiến WH Group - công ty sản xuất thịt heo lớn nhất Trung Quốc, phải đau đầu. Nguồn: Nikki Sun/Nikkei Asian Review.

Thuế quan trả đũa mà Trung Quốc áp lên nông sản Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thịt heo Mỹ sang Trung Quốc. Xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang thị trường Trung Quốc giảm trong khoảng 20 – 30% trong nửa đầu năm nay, nhưng tổng khối lượng xuất khẩu của Mỹ vẫn đi ngang do Smithfield tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mexico.

Khi WH Group trả 4,7 tỷ USD để mua lại Smithfield vào năm 2013, một phần nguyên nhân là để tăng xuất khẩu thịt heo Mỹ vào Trung Quốc.

“Nếu tranh chấp thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn, chúng tôi sẽ tăng tốc độ điều chỉnh danh mục thương mại của mình đối với mảng kinh doanh tại Mỹ để giảm nhẹ tác động”, ông Wan Long - Chủ tịch WH Group nói với báo giới vào ngày 14/8.

Tuy nhiên, ông Kenneth Sullivan – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Smithfield, cho biết tác động của các vấn đề thương mại luôn “đáng kể xét trên mọi khía cạnh”. Cuộc chiến kéo dài hơn so với dự đoán của công ty và đã trở nên phức tạp hơn tại Mỹ sau khi chính quyền Mexico áp thuế trả đũa, ông Sullivan nói.

Những kế hoạch bị chặn đứng

Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đẩy công ty nhôm China Zhongwang ra khỏi thị trường Mỹ trong năm nay, nước này cũng đồng thời giúp một trong những đối thủ chính của China Zhongwang tăng cường sự hiện diện tại Mỹ.

Năm 2017, thương vụ một công ty con của China Zhongwang mua lại công ty nhôm Aleris tại bang Ohio bị Mỹ ngăn chặn với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, các quan chức Mỹ lại nhanh chóng “bật đèn xanh” cho thương vụ mua lại Aleris của một đối thủ Ấn Độ, Hindalco Industries, với giá 2,6 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Ấn Độ khác cũng đang “đổ bộ” vào thị trường thép Mỹ. JSW Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ, sẽ đầu tư lên đến 500 triệu USD để xây dựng một nhà máy tại bang Ohio thay vì mở rộng năng lực sản xuất tại quê nhà. Trước đó, JSW Steel hồi tháng 3 cũng đã quyết định đầu tư 500 triệu USD vào một nhà máy ở bang Texas.

“Chính quyền Tổng thống Donald Trump là tác nhân cho chúng tôi khả năng cạnh tranh tại Mỹ. Đó là điều ngài tổng thống đã làm… về việc tạo ra một sân chơi bình đẳng về việc dừng hành vi bán phá giá từ các nước đang bán phá giá bất hợp pháp”, ông John Hritz – Giám đốc điều hành JSW Steel USA nói với Fox Business Network hồi tháng 6.

phan 3 cuoc chien ma hai ben deu thua
Starbucks và các thương hiệu Mỹ rất phổ biến tại Trung Quốc, nhưng nhiều công ty đang lo ngại chiến tranh thương mại sẽ tạo ra làn sóng tẩy chay hàng Mỹ. Nguồn: Getty Images.

Dù cắt giảm nguồn cung từ nước ngoài có thể hỗ trợ nhà sản xuất nhôm Mỹ, tác động của nó lại xuất hiện với những thành phần khác trên thị trường, trong đó có người tiêu dùng Mỹ. Coca-Cola mùa hè năm nay cho biết hãng sẽ tăng giá bán soda để bù đắp chi phí lon nhôm tăng.

“Chúng tôi phải chịu chi phí tăng cùng với các đối tác đóng chai trong ngành nước uống có gas từ giữa năm nay, vốn là điều khá bất thường. Đó là do giá nhôm, thép đi lên, chi phí nhân công cũng đi lên”, ông James Quincey – Giám đốc điều hành Coca-Cola nói với CNBC hồi tháng 7.

Các vấn đề của công ty nước giải khát mang tính biểu tượng của nước Mỹ cũng trở thành nỗi lo của một trong những tập đoàn lớn nhất châu Á, Swire Pacific. Swire, có trụ sở tại Hong Kong, vận hành nhượng quyền đóng chai Coca-Cola ở cả Trung Quốc và phía tây nước Mỹ.

Bà Michelle Low Mei-shuen – Giám đốc tài chính của Swire, cho biết các công ty đóng chai Mỹ sẽ ổn từ nay đến cuối năm, nhờ các chiến lược phòng hộ. Nhưng sau đó, bà cho biết mọi chuyện sẽ khó dự đoán.

Do Swire hoạt động tại Trung Quốc đại lục, bà Mei-shuen không nhìn thấy nhiều vấn đề trước mắt nếu cuộc chiến thương mại không gây ra làn sóng tẩy chay các thương hiệu gắn liền với nước Mỹ. “Điều đó sẽ trở thành thảm họa”, bà nói.

Xem thêm

Trường Giang